Quan hệ EU - Trung Quốc trở nên căng thẳng

.

Ngày 22-3, Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc. Theo đó, 4 nhân vật bị EU áp lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản là Giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương Trần Minh Quốc, cùng 3 quan chức, cựu quan chức hàng đầu khác gồm ông Chu Hải Luân, ông Vương Minh San và ông Vương Tuấn Chánh. Lệnh trừng phạt của EU còn nhắm đến Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) - một tổ chức kinh tế và bán quân sự đặc thù trong khu vực.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, các biện pháp trừng phạt đa quốc gia là một phần “chính sách ngoại giao chuyên sâu” của Anh, Mỹ, Canada và 27 quốc gia EU trong bối cảnh có nhiều bằng chứng về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Ngô Duy Nhĩ. Còn trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ, phản ứng thống nhất này “gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới những người vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền, và chúng tôi sẽ thực hiện các hành động tiếp theo phối hợp với các đối tác có cùng chí hướng”.

Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này đã có hành động đáp trả khi quyết định trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể của EU, cho rằng những đối tượng này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã triệu tập các nhà ngoại giao của EU và Anh để phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU, Canada. Phát biểu với báo chí ngày 23-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt mới của EU là “sự vu khống, xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người dân Trung Quốc”.

Động thái trên đã phủ “bóng đen” lên quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây nói chung, giữa Trung Quốc với EU nói riêng. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell khẳng định: “Thay vì sửa đổi chính sách và giải quyết những mối quan ngại chính đáng của chúng tôi, Trung Quốc một lần nữa làm ngơ. Lệnh trừng phạt trả đũa của họ thật đáng tiếc và không thể chấp nhận”.

Điểm đáng chú ý đây là lần đầu tiên EU áp lệnh trừng phạt lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ sau đợt cấm vận vũ khí năm 1989. “Biến cố” mới đây cũng đã gây phản ứng mạnh mẽ của EU, đó là vào năm 2020 khi Trung Quốc áp dụng Luật An ninh Hong Kong. Tuy nhiên, vấn đề người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương được EU coi là “vật cản” nghiêm trọng giữa khối này với Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt mới của EU mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ về chính sách cứng rắn hơn nhằm vào Trung Quốc. Mặt khác, căng thẳng gia tăng giữa EU và Trung Quốc có thể đe dọa thỏa thuận đầu tư đang được hai bên đàm phán. Nghị viện châu Âu dự kiến bỏ phiếu về thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc vào đầu năm 2022. Quá trình đàm phán đã mất 7 năm và nếu được phê duyệt, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc ở “mức độ chưa từng có”, như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định hồi tháng 12 năm ngoái. Dù vậy, ngay cả trước khi Trung Quốc áp lệnh trừng phạt trả đũa, một vài nhà lập pháp châu Âu đã nêu 3 mối lo ngại lớn liên quan đến thỏa thuận, trong đó có vấn đề nhân quyền, khiến khả năng ký kết bị hoài nghi.

Còn bà Kathleen van Brempt, nghị sĩ thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) - nhóm chính trị lớn thứ hai tại Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố: “Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ là điều kiện trước tiên để chúng tôi bắt đầu đối thoại với chính phủ Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư này”.

Có thể nói, cùng với nghi vấn về nguồn gốc và cách xử lý ban đầu đối với Covid-19, vấn đề nhân quyền ở Tân Cương đã trở thành cơn “sóng gió” phủ “bóng đen” lên quan hệ giữa Trung Quốc - EU nói riêng, giữa Trung Quốc - phương Tây nói chung.

TUYẾT MINH 

;
;
.
.
.
.
.