Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan... đang căng thẳng đối mặt với làn sóng tái bùng phát nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Những kỷ lục buồn liên tục thiết lập những ngày qua.
Người dân được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Subang Jaya, Malaysia ngày 26-4. Ảnh: Reuters |
Campuchia kêu gọi đoàn kết chống Covid-19
Ngày 27-4, nước láng giềng Campuchia tiếp tục ghi nhận thêm mức tăng ba chữ số các ca mắc mới Covid-19: 508 ca, nâng tổng số ca bệnh của xứ sở chùa tháp lên tới 11.063 trường hợp.
Theo nhật báo tiếng Anh Khmer Times của Campuchia, số ca mắc mới Covid-19 theo ngày tại Campuchia ở mức cao, song điểm đáng chú ý là thủ đô Phnom Penh - điểm nóng nhất về Covid-19 ở nước này, chỉ tăng thêm 248 ca trong vòng 24 giờ qua. Đó là mức tăng theo ngày thấp nhất trong hai tuần qua tại thủ đô Campuchia. Tất cả các ca nhiễm mới vẫn liên quan tới sự cố cộng đồng ngày 20-3, ổ dịch lớn nhất trước nay tại Campuchia. Sau điểm nóng Phnom Penh, lần lượt các tỉnh khác cũng đã ghi nhận nhiều ca bệnh mới là Kandal, Banteay, Meanchey, Preah Sihanouk...
Điều được cho là tín hiệu tích cực khi số ca tử vong vì Covid-19 tại Campuchia không tăng ở mức độ như số ca mắc mới. Theo thống kê cập nhật công bố chiều muộn ngày 27-4 của Khmer Times, Campuchia chỉ có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 của nước này lên 82 trường hợp.
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia tuần này kêu gọi chính phủ và người dân Campuchia đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19. “Chỉ có đoàn kết mới giúp Campuchia vượt qua giai đoạn khó khăn này” và “không bao giờ là quá muộn để đảo ngược tình hình dịch bệnh”, người đại diện tổ chức WHO tại Campuchia, bà Li Ailan nói.
Thái Lan tăng kỷ lục người chết theo ngày
Trong ngày 27-4, Thái Lan ghi nhận 15 ca tử vong vì Covid-19, lần thứ ba thiết lập kỷ lục về số người chết trong 24 giờ vì SARS-CoV-2 trong 4 ngày qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia Thái Lan vẫn cho rằng những điều tồi tệ còn đang ở phía trước do tình trạng xét nghiệm chưa đủ hiện nay.
Theo hãng tin Reuters, tính tới nay Thái Lan đã ghi nhận hơn 59.687 ca mắc Covid-19. Song, điều đáng nói hơn cả là hơn một nửa trong số ca đó chỉ mới được ghi nhận tháng này. Tương tự, trong tổng số 163 ca tử vong vì Covid-19 tới nay tại Thái Lan, có tới 69 ca vừa mới qua đời trong tháng 4. Tình hình dịch bệnh tăng sốc buộc chính phủ Thái Lan phải đóng cửa các công viên, phòng tập gym, rạp phim, trường học tại tâm dịch Bangkok, dù các siêu thị và nhà hàng vẫn được mở. Tinh thần chống dịch của chính phủ Thái Lan quyết liệt tới mức những người không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt tới 20.000 baht (635USD), một tội mà ngay cả Thủ tướng Thái cũng bị phạt khi vi phạm. Trong ngày 27-4, đáng lo hơn khi có tới 3 ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận trong số các nhân viên làm việc tại tòa nhà chính phủ Thái Lan.
Philippines có hơn 1 triệu ca nhiễm
Không chỉ các nước láng giềng và lân cận Việt Nam như Campuchia, Lào và Thái Lan, nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đang đương đầu với sự tái bùng phát đại dịch Covid-19.
Đầu tuần này, theo trang Diplomat, ngày 26-4, Philippines chính thức vượt qua cột mốc hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 ghi nhận cho tới nay. Quốc gia Đông Nam Á này cũng là nước thứ 26 trên thế giới ghi nhận “dấu mốc” không ai muốn đó. Số ca bệnh của Philippines tăng vọt trong tháng trước, buộc chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải áp đặt lệnh phong tỏa lần hai tại vùng thủ đô Manila. Tuy nhiên, bất chấp lệnh phong tỏa, dịch vẫn hầu như chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Thống kê của Bộ Y tế Philippines công bố ngày 26-4 cho thấy nước này đã có hơn 1.006.428 ca bệnh, trong đó hơn 16.853 người đã chết.
Dù vậy, Philippines cũng mới chỉ là nước đứng thứ hai về mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, sau Indonesia. Quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới hiện đang ghi nhận mức tăng ca mới trung bình mỗi ngày khoảng 5.000 ca - một con số kỷ lục của khu vực.
Tại Malaysia, dịch cũng đang bùng lại, đầu tuần này tăng gần 3.000 ca mỗi ngày, nâng tổng số ca mắc của Malaysia lên gần 400.000 ca, cao thứ ba trong khu vực.
Các chứng cứ trên toàn cầu cho tới nay đã chứng minh rằng, có ít nhất 3 yếu tố thiết yếu để giải quyết đại dịch hiệu quả: các nhà lãnh đạo phải xắn tay áo hành động quyết liệt, toàn xã hội phải đồng lòng tham gia và người dân phải nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng.
TRẦN ĐẮC LUÂN