Cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu (COVAX) đã phân bổ gần 38,4 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho 102 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong lúc số ca nhiễm trên thế giới sắp chạm mốc 135 triệu.
Vắc-xin Pfizer/BioNTech, một trong những loại vắc-xin ngừa Covid-19 được COVAX phân bổ cho các nước. Ảnh: Getty Images |
Đảo St. Lucia của vùng Caribbean là vùng lãnh thổ thứ 100 tiếp nhận vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua COVAX. Mới đây, Iran cũng tiếp nhận vắc-xin từ chương trình này.
Năm 2021, phân bổ 2 tỷ liều vắc-xin Covid-19
Hãng tin Reuters cho biết, trong tuyên bố ngày 8-4 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận về số liều vắc-xin ngừa Covid-19 được phân bổ đến các quốc gia/vùng lãnh thổ theo cơ chế COVAX - chương trình do WHO dẫn đầu, phối hợp với Liên minh vắc-xin toàn cầu (GAVI). Theo tuyên bố này, mặc dù việc bàn giao vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp bị chậm lại do không bảo đảm nguồn cung từ Viện Serum của Ấn Độ (SII) nhưng COVAX vẫn dự kiến phân phối ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021, đồng thời sẽ đa dạng hóa nguồn vắc-xin thay vì hiện chủ yếu dựa vào vắc-xin của AstraZeneca/Oxford và Pfizer/BioNTech.
Trước đó, SII thông báo không được cấp phép xuất khẩu đúng dự kiến trong tháng 3 và tháng 4. Từ tháng 3, New Dehi tạm dừng các hoạt động xuất khẩu lớn vắc-xin của hãng AstraZeneca/Oxford do Viện Serum sản xuất để ưu tiên nhu cầu trong nước trong lúc số ca nhiễm mới ở quốc gia Nam Á này tăng vọt. Các đại diện của COVAX phải đàm phán với chính phủ Ấn Độ để bảo đảm việc bàn giao vắc-xin nhanh nhất có thể.
Thế giới sắp chạm mốc 135 triệu ca nhiễm
Tính đến ngày 9-4, thế giới có tổng cộng 134,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 2,9 triệu ca tử vong, số ca hồi phục là 108,4 triệu, theo trang thống kê worldometers. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với hơn 31,7 triệu và 573.800 ca. Tiếp đó lần lượt là Brazil với 13,2 triệu ca nhiễm và 345.000 ca tử vong; Ấn Độ với 13 triệu ca nhiễm và 167.000 ca tử vong.
Theo Reuters, trong làn sóng thứ ba của dịch bệnh, tuần này Brazil là quốc gia thứ ba (sau Mỹ và Peru) ghi nhận số người chết do Covid-19 vượt mốc 4.000 người/ngày. Ấn Độ ngày 9-4 thông báo có 131.600 ca nhiễm mới - mức kỷ lục ở quốc gia Nam Á này kể từ khi Covid-19 bùng phát. Bộ Y tế Ấn Độ thông báo có thêm 780 ca tử vong, con số cao nhất trong một ngày kể từ ngày 19-10-2020 đến nay. CNN cho biết, chỉ trong 11 ngày, Ấn Độ có thêm 1 triệu ca nhiễm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thúc giục người dân tiêm vắc-xin. Trên Twitter, ông Modi viết: “Vắc-xin là một trong số ít cách mà chúng ta có thể đánh bại Covid-19. Nếu bạn đủ điều kiện tiêm vắc-xin, hãy tiêm sớm”. Nhà lãnh đạo này cho rằng, thách thức nghiêm trọng do Covid-19 đang nổi lên một lần nữa, chính quyền các bang phải đẩy nhanh hơn việc xét nghiệm và tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Với 1,4 tỷ dân, Ấn Độ hiện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 11 triệu người. Ở Mỹ, gần 20% trong tổng số người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Ở Brazil, chỉ gần 3% trong tổng số 210 triệu dân được tiêm 2 mũi.
Trong lúc đó, Iran cũng ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục ở ngày thứ ba liên tiếp, với gần 22.600 ca. Hàn Quốc có thêm 700 ca nhiễm, mức cao nhất trong 24 giờ kể từ ngày 5-1. Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ duy trì các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường thêm 3 tuần, kể từ ngày 12-4. Theo đó, Hàn Quốc cấm tụ tập từ 5 người trở lên trên cả nước; cấm hoạt động của bar và hộp đêm ở thủ đô Seoul, vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) và thành phố Busan. Hãng tin Yonhap dẫn lời Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, nước này đã nỗ lực nhưng làn sóng thứ tư của dịch bệnh dường như đang đến gần hơn và có khả năng lây lan mạnh hơn.
Nhật Bản ghi nhận hơn 3.400 ca nhiễm mới vào ngày 8-4, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 494.000 ca, trong lúc còn hơn 3 tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic. Chính phủ Nhật Bản có thể cho phép chính quyền thủ đô Tokyo, tỉnh Kyoto và tỉnh Okinawa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Theo đó, các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 12-4 ở 23 quận và 6 thành phố thuộc thủ đô Tokyo, 9 thành phố thuộc tỉnh Okinawa và thành phố Kyoto thuộc tỉnh Kyoto.
THIÊN BÌNH