Cơ hội hiếm để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) vào năm 2018, số phận của thỏa thuận này vẫn lơ lửng khi các nước phương Tây tham gia thỏa thuận không bảo vệ được những lợi ích của Tehran trước lệnh trừng phạt của Washington, còn nước Cộng hòa Hồi giáo gia tăng số lượng máy ly tâm và làm giàu uranium.

Khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, ông Joe Biden tìm cách khởi động tiến trình khôi phục JCPOA. Trong khi đó, các nước còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức cũng nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử này. Vì thế, sau thời gian “ngoại giao con thoi”, ngày 6-4, tại thủ đô Vienna của Áo, Ủy ban Hỗn hợp về JCPOA đã nối lại đàm phán.

Các quan chức Anh, Pháp, Đức đóng vai trò trung gian giữa Iran và Mỹ trong cuộc đàm phán ở Vienna. Phái đoàn của Mỹ do đặc phái viên Rob Malley đứng đầu tham gia đàm phán gián tiếp từ một khách sạn gần đó.

Trước khi bước vào đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định, việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất để khôi phục JCPOA. Hồi tháng 3, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh, yêu cầu của Iran là Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt. “Sau đó, chúng tôi sẽ xác minh và nếu tất cả các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chúng tôi sẽ quay trở lại thực hiện các cam kết trong JCPOA”, ông Khamenei nói.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu muốn thuyết phục Iran giảm việc sản xuất nhiên liệu uranium được làm giàu, chính phủ Mỹ phải giảm nhẹ các trừng phạt khiến nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo bị tê liệt. Tuy nhiên, một biện pháp như vậy có nguy cơ bị phe đối lập trên chính trường Mỹ sử dụng để chống lại ông Biden, và chắc chắn quyết định này nếu được đưa ra thì sẽ gây bất bình trong chính nội bộ đảng Dân chủ.

Trong khi đó, nhận định trước thềm đàm phán, Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei nói: “Bây giờ, chúng tôi không lạc quan cũng không bi quan về kết quả của cuộc gặp này, nhưng tự tin rằng mình đang đi đúng hướng. Nếu phía Mỹ thực sự có thiện chí, nghiêm túc, chân thành, đây sẽ là dấu hiệu tốt cho một tương lai tốt đẹp hơn của JCPOA và việc thực thi đầy đủ thỏa thuận này”.

Ông Robert Maley, đặc phái viên của Tổng thống Biden, từng tham gia các cuộc đàm phán năm 2015 dưới thời ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ, viết trên Twitter: “Đây là bước đi đầu tiên”. Vẫn theo đặc phái viên của ông Biden, “các thương thuyết dự kiến sẽ khó khăn, nhưng đang đi đúng hướng”.

Một giới chức EU giải thích với báo chí rằng, các nhóm làm việc ở Vienna một mặt đưa ra một danh sách các trừng phạt mà Mỹ có thể dỡ bỏ, mặt khác đề nghị một danh sách các nghĩa vụ trong thỏa thuận mà Iran cần chấp nhận tuân thủ trở lại. Dù không nói ra nhưng Mỹ và Iran đều ngầm hiểu hai nước cần đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Iran, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, nếu không thì cơ hội khôi phục JCPOA sẽ bị kéo dài.

Về phía Nga, nước này cho rằng, Iran trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ ý chí và sẵn sàng hợp tác để quay lại thực hiện đầy đủ JCPOA, kể cả việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan của Mỹ và đưa Tehran trở lại hoàn toàn với cơ chế ban đầu của JCPOA.

Diễn biến nói trên cho thấy, dù sao tuần lễ này tại Vienna cũng là lần đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, các đại diện của hai bên cùng chính thức tham gia một hội nghị bàn về thỏa thuận này, tuy không có các cuộc thảo luận trực tiếp. Đây được xem là cơ hội hiếm để JCPOA hồi sinh nhằm ngăn chặn “biến cố” thảm họa hạt nhân ở Trung Đông - một khu vực luôn chứa đựng những nguy cơ xung đột vũ trang.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.