155 triệu người cần được hỗ trợ lương thực

.

Theo báo cáo được Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố ngày 5-5, khoảng 155 triệu người trên thế giới đang trong tình trạng thiếu an ninh lương thực nghiêm trọng và cần hỗ trợ khẩn cấp. Đây là con số cao nhất trong 5 năm qua, cao hơn năm 2019 gần 20 triệu người.

Hãng thông tấn CBS dẫn lời Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley cho biết, 155 triệu người ở 55 nước phụ thuộc vào các chương trình viện trợ nhân đạo “chỉ để tồn tại”; con số này cao chưa từng có nhưng cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cụ thể, 155 triệu người được LHQ xếp vào 1 trong 3 giai đoạn nghiêm trọng nhất của tình trạng thiếu an ninh lương thực gồm: “khủng hoảng”, “khẩn cấp” và “thảm họa/nạn đói”. Tất cả 155 triệu người đều ít nhất đang trải qua tình trạng “khủng hoảng”, tức “suy dinh dưỡng cấp tính cao hoặc trên mức bình thường”, hoặc chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm tối thiểu. Khoảng 133.000 người đang ở giai đoạn “thảm họa/nạn đói”. Đa số những người thuộc nhóm này sống ở Nam Sudan, 28.000 người còn lại phân bố rải rác giữa Yemen và Burkina Faso. Châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn đói.

Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Henrietta Fore cho biết, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ không thể tăng trưởng đầy đủ vì thiếu dinh dưỡng. Vẫn có 149 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, 45 triệu trẻ em đang bị gầy còm…, ít nhất 340 triệu trẻ em thiếu vitamin và khoáng chất. Tình hình này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em sống ở 55 quốc gia đang trải qua khủng hoảng lương thực.

Báo cáo chỉ ra 3 nguyên nhân chính gây tình trạng mất an ninh lương thực: xung đột và chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và các cú sốc kinh tế, trong đó có các cú sốc do Covid-19 gây ra. Báo cáo cũng cảnh báo nếu không hành động khẩn cấp, các xu hướng đáng báo động này sẽ tiếp tục. Hơn 142 triệu người được dự đoán sẽ rơi vào giai đoạn “khủng hoảng” hoặc tồi tệ hơn trong năm 2021.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.