Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 824.000 ca mắc Covid-19 và trên 13.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 156 triệu ca, trong đó trên 3,26 triệu ca tử vong.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil, ngày 1-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (414.433 ca), Brazil (67.099 ca) và Mỹ (trên 43.500 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.920 ca), Brazil (2.304 ca) và Mỹ (822 ca).
Như vậy, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua. Với con số 414.433 ca, Ấn Độ lại lập kỷ lục về số ca mắc hàng ngày.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng trên thế giới mà nguồn cung vắc-xin Covid-19 lại thiếu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine Covid-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong một thông báo, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine Covid-19 ”.
Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và tình hình đặc biệt của đại dịch Covid-19 cần các biện pháp đặc biệt.
Theo thông báo, Mỹ sẽ bắt đầu tham gia các cuộc đàm phán của WTO về việc dỡ bỏ các rào cản mà theo những người ủng hộ sẽ giúp cho việc sản xuất vắc-xin Covid-19 phổ biến cũng như giúp các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vắc-xin.
Dịch tại Ấn Độ có thể khả quan hơn từ giữa tháng 5
Nhà virus học Ấn Độ, Tiến sĩ Gagandeep Kang, đánh giá chiều hướng gia tăng các ca nhiễm hiện nay ở quốc gia Nam Á này có thể bắt đầu giảm dần từ giữa đến cuối tháng 5.
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, Tiến sĩ Kang nói rõ các dự đoán từ một số mô hình phân tích dịch tễ cho thấy số bệnh nhân nhiễm mới có thể giảm dần vào khoảng giữa và cuối tháng 5. Một số mô hình dự báo làn sóng dịch thứ hai sẽ lắng xuống vào đầu tháng 6 tới.
Tổng số ca bệnh tại Ấn Độ đến nay là trên 21,4 triệu ca, trong đó có 234.071 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, con số thực tế có thể còn cao gấp từ 5 đến 10 lần.
Hiện tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ở các bang miền Nam Ấn Độ như Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, với số ca nhiễm mới tăng đột biến, vượt qua những mức đỉnh điểm trong làn sóng đầu tiên.
Thêm nhiều nước phát hiện các ca mắc biến thể Ấn Độ
Ngày càng có thêm nhiều nước ghi nhận các ca mắc biến thể Ấn Độ.
Giới chức y tế Australia đang đẩy mạnh chiến dịch truy vết sau khi thành phố Sydney, bang New South Wales, phát hiện hai ca mắc Covid-19. Đây là những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong hơn một tháng qua tại đây.
Một cặp vợ chồng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng lo ngại là hai người này nhiễm biến thể Ấn Độ và có liên quan đến một người trở về từ Mỹ, vốn đã thực hiện cách ly tại một khách sạn ở Sydney. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy lượng virus SARS-CoV-2 của người này cao hơn mức trung bình thường có ở những người nhiễm bệnh khác, có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Ngày 5-5, Bộ Y tế Iran thông báo phát hiện 3 ca mắc đầu tiên mắc biến thể mới này, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn. Các ca trên nằm trong số những công dân Ấn Độ sinh sống ở Iran, đều tại tỉnh miền Trung Qom.
Iran đang đối phó với làn sóng dịch thứ 4 tại khu vực Trung Đông mà nguyên nhân được cho là do người dân di chuyển nhiều trong kỳ nghỉ Năm mới Ba Tư hồi tháng 3 vừa qua.
Bộ trưởng Namaki nhận định Iran đã phần nào kiểm soát được đợt dịch lần này. Hiện phần lớn các thành phố đều bị xếp loại là vùng "đỏ" với việc các cửa hàng thiết yếu chỉ được phép mở cửa.
Iran ghi nhận 18.409 ca mắc mới và 338 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Cho tới nay, quốc gia vùng Vịnh này có tổng cộng 2,6 triệu ca mắc, trong đó 73.906 ca tử vong.
Tương tự, Bộ Y tế Kenya thông báo phát hiện một trường hợp mắc biến thể Ấn Độ, chỉ vài ngày sau khi nước láng giềng Uganda cũng ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này.
Theo Tiến sĩ Patrick Amoth thuộc Bộ Y tế Kenya, trường hợp mắc biến thể được phát hiện trong số các mẫu lấy từ những người Ấn Độ làm việc ở thành phố Kisumu, phía Tây Kenya.
Các ca mắc biến thể Ấn Độ tại Uganda xuất phát từ một du khách đến từ Ấn Độ mới đây. Hiện Kenya, Uganda, Tanzania và Rwanda đã tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ.
Các nước láng giềng đóng biên giới với Ấn Độ
Ngày 6-5, Sri Lanka trở thành nước láng giềng tiếp theo của Ấn Độ đóng cửa biên giới với quốc gia Nam Á này sau khi phải nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới bệnh Covid-19 .
Chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Ấn Độ bằng đường không. Cơ quan hàng không dân dụng Sri Lanka (CAASL) cho biết quyết định này được đưa ra nhằm ngăn chặn biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ xâm nhập vào Sri Lanka.
Sri Lanka đã chứng kiến số ca bệnh tăng đột biến. Trong 24 giờ qua, Sri Lanka ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới. Hiện Sri Lanka ghi nhận tổng cộng 734 ca tử vong trong tổng số 119.424 ca nhiễm.
Giới chức y tế cho biết một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng trên khắp Sri Lanka khiến các bệnh viện và các khu chăm sóc đặc biệt chật cứng bệnh nhân.
Quân đội sẽ hỗ trợ thiết lập thêm các trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 tại những khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời cung cấp thêm 10.000 giường bệnh. Theo các bác sĩ, nhiều người trẻ tuổi tại Sri Lanka đã phải nhập viện vì nhiễm biến thể mới, đồng thời cần thở oxy và được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt.
Hai quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ là Bangladesh và Nepal cũng đã cấm các chuyến bay với Ấn Độ và đóng cửa biên giới với quốc gia Nam Á này. Bangladesh đã tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 14-4 và đóng cửa biên giới Ấn Độ từ ngày 26/4.
Bangladesh đã ghi nhận tổng cộng 769.160 ca nhiễm, trong đó 11.706 ca tử vong, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn ở tất cả các nước khu vực Nam Á.
Nepal cũng đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế cách đây 1 tuần cho đến ngày 14-5 tới. Chỉ có 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần đến Ấn Độ để đưa những công dân bị mắc kẹt về nước. Hầu hết các cửa khẩu giữa Nepal và Ấn Độ cũng đã đóng cửa và chỉ có công dân Nepal mới được đi qua những cửa khẩu còn mở.
Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), nhiều bệnh viện tại Nepal cũng đã chật cứng bệnh nhân sau khi số ca nhiễm mới đã tăng gấp 57 lần so với cùng thời điểm này của tháng trước.
Ngày đầu dỡ phong tỏa thủ đô, Campuchia có 650 ca mắc mới
Người dân Phnom Penh tham gia giao thông bình thường tại khu vực được phép di chuyển sau khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia |
Từ sáng 6-5, các nhà chức trách Campuchia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Campuchia, người dân đã được phép đi lại bình thường trong khi một số ít hoạt động kinh doanh theo quy định vẫn tạm thời đóng cửa.
Vào tối 5-5, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã ban hành bộ hướng dẫn chi tiết về một số hoạt động trong giai đoạn 7 ngày (từ ngày 6-5 đến 12-5) sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ tại thủ đô.
Báo cáo trong ngày 6-5 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới Covid-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc với 6.843 trường hợp đã bình phục và 114 ca tử vong.
Số ca mắc mới tại Lào tăng trở lại
Bộ Y tế Lào ngày 6-5 cho biết nước này đã có thêm 105 ca mắc Covid-19 . Đây là lần thứ 3 kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch Covid-19 bùng phát tại Lào, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ ở mức 3 con số.
Tại 2 thành phố lớn nhất của Lào là thủ đô Viêng Chăn và Champasak, số ca mắc mới tiếp tục ổn định lần lượt ở mức 15 và 12 ca, trong khi tình hình tại Bokeo - tỉnh miền Bắc giáp giới với Trung Quốc - tiếp tục phức tạp với số ca mắc mới có xu hướng tăng và đang có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh mới tại Lào, với 72 ca. Đáng chú ý, toàn bộ các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính tới chiều 6-5, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.177 ca mắc Covid-19 . Lào đã chữa khỏi cho 101 bệnh nhân và là một trong số ít quốc gia trên thế giới chưa có bệnh nhân nào tử vong do Covid-19 .
Brunei tròn 1 năm không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng
Ngày 6-5, Chính phủ Brunei công bố không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, đánh dấu một năm không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng.
Sau khi xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên ngày 9-3-2020, Brunei duy trì biện pháp kiểm soát biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ để ngăn virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xâm nhập dù số du khách nước ngoài đến quốc gia Đông Nam Á này giảm mạnh. Chính quyền Brunei cũng áp đặt nghiêm ngặt lệnh cấm tụ tập đông người, thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi tiếp xúc dựa vào công nghệ để ngăn lây nhiễm trong cộng đồng.
Dù đã trải qua 365 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Brunei vẫn phát hiện một số ca mắc mới nhập cảnh nước này. Đến nay, Brunei có tổng cộng 228 ca mắc, trong đó có 219 người đã bình phục, 3 ca không qua khỏi.
Số ca nhiễm mới tại Philippines vẫn ở mức cao
Trong ngày 6-5, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 6.637 ca mắc mới Covid-19 và 191 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 1.080.172 và 17.991.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, từ ngày 27-4, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, có hiệu lực đến ngày 14-5. Từ ngày 7-5, Philippines cũng cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka hoặc những người từng ở những nước này trong vòng 14 ngày trước khi đến Philippines.
Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 5-5 yêu cầu cảnh sát bắt giữ những người không đeo khẩu trang đúng quy cách, ví dụ như không đeo khẩu trang kín mũi. Chỉ thị trên được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Duterte và lực lượng đặc nhiệm phòng chống Covid-19 , trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang chật vật đối phó với số ca mắc mới gia tăng.
Chính quyền Tokyo (Nhật Bản) cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp
Ngày 6-5, Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) Yuriko Koike nhấn mạnh cần thiết phải gia hạn tình trạng khẩn cấp để khống chế số ca mắc mới Covid-19 , trong bối cảnh hệ thống y tế của thành phố đang chịu sức ép ngày càng tăng.
Phát biểu sau cuộc họp với các chuyên gia y tế, Thống đốc Koike cho biết chính quyền thành phố sẽ thảo luận việc gia hạn tình trạng khẩn cấp với các tỉnh lân cận và chính quyền trung ương.
Bà Koike cảnh báo hầu hết số ca mắc mới Covid-19 đều do các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong khi số ca mắc ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng, làm dấy lên lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm hiện tại có thể nghiêm trọng hơn làn sóng thứ ba bùng phát hồi tháng 1 vừa qua. Bà kêu gọi người dân hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, khi ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 25-4 đến 11-5, Chính phủ Nhật Bản hy vọng các biện pháp phòng dịch quyết liệt trong ngắn hạn sẽ giúp kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư trong bối cảnh chưa đầy ba tháng nữa nước này đăng cai tổ chức Olympic Tokyo.
Tuy nhiên, số ca mắc mới Covid-19 và số bệnh nhân chuyển biến nặng vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu của giới chức y tế, Tokyo có 591 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 6-5. Trên toàn Nhật Bản, hơn 618.000 ca mắc đã được ghi nhận tính đến thời điểm này, trong đó có 10.500 ca tử vong.
Nga cho phép sử dụng vaccine 1 liều Sputnik Light
Ngày 6-5, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo nước này đã cho phép sử dụng vaccine 1 liều ngừa Covid-19 có tên Sputnik Light, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung cấp vaccine ở các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Theo RDIF, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy chế phẩm do Viện Gamaleya của Nga phát triển có hiệu quả ngừa Covid-19 đạt 79,4% trong khi chỉ có giá dưới 10 USD/liều. Sputnik Light sẽ được xuất khẩu đến những quốc gia nơi dịch bùng phát mạnh, qua đó giúp làm gia tăng số người được tiêm chủng và hỗ trợ các nước này dập dịch.
Trao đổi với báo giới, người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev cho biết loại vắc-xin 1 liều này giúp rút ngắn thời gian tiêm chủng cho các khu vực có dân số đông, vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh. Ông cũng cho biết Nga vẫn chủ yếu sử dụng 2 liều Sputnik V.
Theo Báo Tin Tức