Dải Gaza đang chứng kiến những làn bom đạn, những tòa nhà đổ nát trong các cuộc không kích; số người chết không ngừng gia tăng. Xung đột giữa lực lượng Palestine ở Gaza với Israel bùng phát từ ngày 10-5 được xem là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014.
Tòa nhà 12 tầng - nơi đặt trụ sở hãng tin AP của Mỹ và đài truyền hình Al Jazeera của Qatar - bị tấn công. Ảnh: AP |
Sau 1 tuần xảy ra xung đột giữa lực lượng Palestine ở Gaza với Israel, theo AP, đến nay có ít nhất 174 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 47 trẻ em và 29 phụ nữ, cùng hơn 1.200 người khác bị thương. Phía Israel có 8 người chết.
Hãng tin AP cho biết, các cuộc không kích của Israel ở thành phố Gaza ngày 16-5 đã san phẳng 3 tòa nhà và làm ít nhất 26 người chết, đánh dấu ngày đẫm máu nhất trong cuộc giao tranh kể từ ngày 10-5 đến nay. Trong số người thiệt mạng có 10 phụ nữ và 8 trẻ em, ngoài ra còn có 50 người khác bị thương.
Lực lượng cứu hộ phải chạy đua để đưa những người sống sót và tìm kiếm thi thể từ những đống đổ nát.
Cũng trong sáng 16-5, Israel đã ném bom vào nhà của Yehya Sinwar, thủ lĩnh chính trị và quân sự của Hamas ở Dải Gaza từ năm 2017, nhưng chưa có thông tin về tình hình của ông này. Trong 2 ngày, Israel đã tấn công 3 lần vào nhà của các thủ lĩnh Hamas.
Ngày 15-5, Israel không kích và san phẳng tòa nhà 12 tầng ở Dải Gaza, nơi đặt trụ sở hãng tin AP của Mỹ và đài truyền hình Al Jazeera của Qatar, với cáo buộc đây là nơi hoạt động của tình báo Hamas. “Tòa nhà là nơi đặt các thiết bị tình báo của khủng bố Hamas. Những kẻ khủng bố đã ẩn nấp và sử dụng các hãng tin quốc tế như lá chắn sống cho bọn chúng”, phía Israel lý giải. Song, AP chỉ trích cuộc tấn công và yêu cầu Israel đưa ra bằng chứng về sự hiện diện hoặc hoạt động của Hamas trong tòa nhà.
Hãng tin AFP dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AP, ông Gary Pruitt, bày tỏ cảm giác sốc khi trụ sở bị tấn công. Trong khi đó, Quyền Tổng Giám đốc Al Jazeera Mostefa Souag gọi đây là “tội ác chiến tranh” của Israel nhằm ngăn chặn báo chí lên tiếng và che giấu cuộc tàn sát cũng như những đau khổ của người dân Gaza”. AP đã đặt trụ sở ở Dải Gaza suốt 15 năm qua. May mắn các phóng viên của hãng vẫn an toàn trong vụ không kích.
Nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, chính phong trào Hamas đã khơi mào cho chiến sự với hành động phóng rocket vào phía Israel. Ông Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tiếp tục tấn công Dải Gaza cho đến khi nào còn thấy cần thiết, nhưng sẽ cố gắng để tránh gây thương vong cho dân thường. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Netanyahu và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, tuyên bố Washington ủng hộ hai bên đàm phán để đưa ra cách giải quyết.
Ngày 16-5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp để thảo luận về tình trạng bạo lực tại Dải Gaza. Một nhà ngoại giao Ai Cập nói rằng, việc Israel nhằm vào các thủ lĩnh chính trị Hamas sẽ làm phức tạp những nỗ lực để đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Hãng tin AP cho hay, 57 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cũng họp khẩn vào ngày 16-5. Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Ai Cập Mevlut Cavusoglu cho rằng, một mình Israel phải chịu trách nhiệm về sự leo thang căng thẳng gần đây ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza.
Thực tế, Liên đoàn Arab và các tổ chức như OIC giữ quan điểm rằng, người Palestine nên có nhà nước độc lập. Luật pháp quốc tế coi Đông Jerusalem, Bờ Tây, cao nguyên Golan và Gaza là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng Israel phản đối điều này. Việc Israel tìm cách trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu Sheik Jarrah để lấy đất cho các dự án xây dựng khu định cư của người Do Thái - nguyên nhân khơi mào căng thẳng lần này - cũng vấp phải sự chỉ trích của quốc tế.
Truyền thông quốc tế đều coi sự việc lần này là xung đột giữa Israel với Palestine. Nhưng thực ra đây là xung đột vũ trang trực tiếp giữa Tel Aviv với các lực lượng quân sự ở Gaza do Hamas kiểm soát. Chính quyền Palestine của nhà lãnh đạo Abbas không kiểm soát được Gaza và các lực lượng vũ trang của người Palestine ở nơi đây.
Xung đột sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình và ổn định ở khu vực, như nhận định của các quốc gia Arab gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar. “Chảo lửa” Trung Đông một lần nữa bùng cháy. Dù các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy nhưng cũng sẽ khó tìm giải pháp lâu dài, toàn diện cho cuộc xung đột.
VĨNH AN