Sau 5 năm người dân Vương quốc Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU), những vết thương vẫn chưa lành và các nhà phân tích cho rằng những thay đổi sâu rộng thời hậu Brexit chỉ mới bắt đầu.
Một người ủng hộ Brexit tham gia cuộc tuần hành ở London tháng 3-2016. Ảnh: AP |
Vương quốc Anh gia nhập EU vào năm 1973. Ngày 23-6-2016, Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU (còn lại là Brexit) với kết quả gây sốc: 52% số cử tri chọn “Leave” (Rời đi) và 48% chọn “Remain” (Ở lại). Nước Anh đã trải qua 4 năm để giải quyết hàng loạt vấn đề nảy sinh trong quá trình Brexit, mà giới quan sát ví von rằng, Brexit như những câu chuyện ly hôn, cũng có những tranh cãi về tiền bạc, về niềm tin... Và 5 năm kể từ cuộc bỏ phiếu “định mệnh” ấy, nước Anh vẫn rơi vào tình trạng chia rẽ.
Theo hãng tin AP, chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, Brexit mang đến những cơ hội kinh tế mới. Anh đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Úc, Singapore, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ và một số nước thành viên Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Nước này cũng bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy nhiên, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của EU sang Anh trong quý 1-2021 đã giảm hai chữ số. Trong lúc xảy ra Covid-19, khó có thể xác định nguyên nhân sự sụt giảm này là do Brexit hay do đại dịch. Hãng tin AP dẫn lời GS. Jonathan Portes chuyên ngành Kinh tế tại Đại học King London cho rằng, Brexit là “lực cản đáng kể nhưng không phải là thảm họa” đối với tăng trưởng kinh tế của Anh trong nhiều năm.
Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 cũng kết thúc sự nghiệp của Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron. Kế nhiệm ông, bà Theresa May, đã nỗ lực nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận Brexit với EU. Năm 2019, Thủ tướng May từ chức.
Ông Boris Johnson, người dẫn đầu chiến dịch “Vote Leave” (bỏ phiếu rời đi), trở thành Thủ tướng Anh năm 2019 với cam kết “hoàn thành Brexit”. Ông đã thành công trong việc đưa nước Anh rời EU, nhưng lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác: đại dịch Covid-19.
Trong đại dịch, Anh đã chứng minh hiệu quả khi hoàn toàn tách khỏi quỹ đạo của EU, đó là việc vượt qua các nước thuộc liên minh này trong việc sớm cấp phép vắc-xin ngừa Covid-19 hồi đầu năm và triển khai chương trình tiêm chủng nhanh chóng. Anh là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 46% dân số được tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Song, Brexit đã làm chia rẽ các vùng lãnh thổ ở nước Anh, đáng chú ý là Bắc Ireland - khu vực đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU năm 2016. Theo AFP, đa số người dân Bắc Ireland ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của vùng lãnh thổ này. Tỷ lệ cử tri Bắc Ireland ủng hộ tách khỏi Anh là 42%. Hiện Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và Cộng hòa Ireland (một thành viên của EU).
Một vấn đề chia rẽ khác là Brexit chấm dứt di cư tự do đối với công dân EU và tạo cơ hội cho công dân từ các quốc gia khác. Song, trong một bài viết trên The Telegraph, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cảnh báo, công dân Anh đang sống ở các nước thuộc EU bị từ chối việc làm và chăm sóc sức khỏe. Bà Patel thúc giục 27 thành viên EU đối xử công bằng với công dân Anh như nước này làm với công dân của khối.
Sau 5 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý, các nhà phân tích vẫn đang dẫn ra những “cái được” và “cái mất” của Brexit. Theo báo The Independent, Thủ tướng Johnson tin rằng, sứ mệnh của ông là dùng vị trí mới của nước Anh trên thế giới để mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho người dân quốc gia này.
THIÊN BÌNH