Đối đầu hay đối thoại?

.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Gần đây, chính phủ Mỹ được cho là đã hoàn tất đánh giá chính sách đối với Triều Tiên, theo đó Washington xác định theo đuổi “cách tiếp cận thực tế, có hiệu chỉnh” và phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên được xây dựng trên thỏa thuận liên Triều năm 2018, trong đó có cam kết của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn ở Nhà Trắng hồi tháng trước, hai bên nhất trí theo đuổi các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Sau hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Nga vào giữa tháng 6, Nhà Trắng cũng tỏ ý xúc tiến cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngày 21-6, Đặc phái viên của Mỹ Sung Kim tới Seoul và có cuộc họp với Đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-duk và Đặc phái viên Nhật Bản, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á - châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao nước này Takehiro Funakoshi. Các quan chức nhất trí tiếp tục hợp tác giữa 3 nước để mang lại tiến triển hiệu quả trong việc đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và giải pháp hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên bằng cách nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng sớm nhất có thể.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn hy vọng Triều Tiên sẽ hồi đáp tích cực đề nghị của chúng tôi nhóm họp vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ địa điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết. Đó chính xác là những gì mà Đặc phái viên Sung Kim phát biểu trong chuyến công du của ông tới Seoul, nơi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản trong việc phối hợp hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, bảo vệ sự thịnh vượng, an ninh chung, giữ vững giá trị chung và tăng cường trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”.

Tuy nhiên, trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ mới đây, Tổng thống Biden cho biết tiếp tục cấm vận Triều Tiên theo các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 ngày 17-6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh cần chuẩn bị “sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu, đặc biệt là chuẩn bị toàn diện cho đối đầu để bảo vệ phẩm giá, lợi ích phát triển độc lập của quốc gia và bảo đảm một cách đáng tin cậy môi trường hòa bình, an ninh của đất nước”.

Bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi đây là “tín hiệu thú vị”, đồng thời cho biết Washington vẫn chờ liên hệ trực tiếp từ phía Bình Nhưỡng để thảo luận về các bước đi cụ thể trong thời gian tới.

Thế nhưng, ngày 22-6, hãng thông tấn KCNA dẫn lời bà Kim Yo Jong, quan chức cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên và là em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, những kỳ vọng của Mỹ vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ chỉ đem lại “sự thất vọng lớn hơn” cho Washington...

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã nhất trí xem xét chấm dứt diễn đàn “nhóm công tác” về chính sách Triều Tiên, một động thái dường như mang tính hòa giải với Bình Nhưỡng, vốn bị Triều Tiên chỉ trích diễn đàn là một rào cản đối với quan hệ liên Triều.

Đây là nhóm công tác được Seoul và Washington thiết lập vào tháng 11-2018 nhằm phối hợp cách tiếp cận đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, viện trợ nhân đạo, thực thi các biện pháp trừng phạt cũng như quan hệ liên Triều.

Những diễn biến trên cho thấy, cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đi đôi với các tuyên bố cứng rắn rằng sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc “đối đầu” quân sự, thì “đối thoại” để tìm kiếm một giải pháp hòa bền vững cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn được xem là nhân tố chủ đạo dù để bước vào bàn đám phán là hành trình khó khăn, thách thức.

Một khía cạnh khác cũng đang được dư luận thế giới hết sức quan tâm là  “sự cởi mở” của chính quyền ông Biden khi lên tiếng sẵn sàng đối thoại với ông Kim Jong-un bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu mà “không cần điều kiện đi kèm”. Vì thế, câu hỏi bây giờ là Bình Nhưỡng có sẵn sàng tiến vào bàn đàm phán với Washington hay không mà thôi!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.