Ít triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Tổng thống đắc cử của Iran, ông Ebrahim Raisi, bác bỏ việc gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Joe Biden, đồng thời khẳng định chính sách đối ngoại cũng như lợi ích của người dân nước Cộng hòa Hồi giáo này không bị giới hạn trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ông Ebrahim Raisi - người có quan điểm cứng rắn về đàm phán hạt nhân - sẽ trở thành Tổng thống Iran vào tháng 8. Ảnh: Reuters
Ông Ebrahim Raisi - người có quan điểm cứng rắn về đàm phán hạt nhân - sẽ trở thành Tổng thống Iran vào tháng 8. Ảnh: Reuters

Các quan chức chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran với chiến thắng thuộc về ông Ebrahim Raisi, sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Tuy nhiên, theo AP, giờ đây có những dấu hiệu cho thấy không dễ dàng khôi phục thỏa thuận này khi Iran có Tổng thống mới.

Có nhiều lý do cho thấy số phận của JCPOA chưa biết đi đâu về đâu. Trước hết, vòng đàm phán gián tiếp mới nhất đã kết thúc vào ngày 20-6 tại Vienna (Áo) mà không đạt được tiến triển đáng kể nào. Thêm vào đó, ngày 21-6, trong bài phát biểu đầu tiên với báo giới kể từ khi đắc cử, ông Ebrahim Raisi ủng hộ đàm phán về JCPOA, nhưng bác bỏ mục tiêu then chốt của Tổng thống Mỹ Joe Biden là mở rộng thỏa thuận.

Đáng chú ý, ông Raisi tuyên bố sẽ không gặp người đứng đầu Nhà Trắng. “Chính sách đối ngoại của chúng tôi sẽ không bị giới hạn bởi JCPOA. Chúng tôi sẽ có sự tương tác với thế giới. Chúng tôi sẽ không ràng buộc lợi ích của người dân Iran với thỏa thuận hạt nhân này”, hãng tin AP dẫn lời ông Raisi nói.
Cũng theo Tổng thống đắc cử của Iran, căn cứ nội dung của JCPOA, “Mỹ có nghĩa vụ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Hãy trở lại và thực hiện các cam kết. Đối với châu Âu, tôi muốn nhắn nhủ rằng, họ không nên chịu sức ép từ các chính sách của Mỹ và phải thực hiện đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân”. “Tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Iran phải được dỡ bỏ và phải được Tehran xác nhận”, ông Raisi nhấn mạnh.

Tổng thống Joe Biden cùng đội ngũ cố vấn của ông xem việc Mỹ trở lại JCPOA và nếu có thể thì mở rộng hơn các điều khoản của thỏa thuận này là một trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách ngoại giao. JCPOA là một thành tựu của chính phủ tiền nhiệm Barack Obama hồi năm 2015. Song, năm 2018, lúc làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Chính phủ của ông Biden giờ đây hy vọng triển vọng phát triển kinh tế có thể giữ được Tehran ở lại bàn đàm phán, nhưng đây có lẽ không phải là ưu tiên của ông Raisi.

Theo Reuters, bất chấp tuyên bố của ông Raisi và việc vị chính trị gia này sắp nhậm chức Tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm, chính phủ của ông Biden vẫn khẳng định không thay đổi triển vọng đạt được thỏa thuận mới xung quanh JCPOA. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hạ thấp mức ảnh hưởng của ông Raisi, khẳng định không có kế hoạch về cuộc gặp nào giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran, đồng thời cho rằng lãnh tụ tối cao lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei vốn ủng hộ JCPOA, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận này.

Các cuộc đàm phán của Ủy ban chung giám sát JCPOA đã được khởi động vào tháng 4-2021 với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) làm cầu nối giữa Tehran và Washington để đưa cả hai nước trở lại tuân thủ thỏa thuận. Đến nay, 6 vòng đàm phán ở Vienna vẫn không mang lại kết quả nào. Vòng đàm phán thứ 7 chưa được lên lịch và phải chờ Iran có chính phủ mới vào giữa tháng 8. Thế nhưng, các nhà phân tích và một số nhà ngoại giao liên quan đàm phán cho rằng, việc đạt được thỏa thuận với chính phủ sắp mãn nhiệm của Iran sẽ dễ dàng hơn là với chính phủ mới, nhất là dưới thời ông Raisi - người có quan điểm cứng rắn về đàm phán hạt nhân.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.