Nga - EU không dễ "cài đặt lại" quan hệ

.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất mời Tổng thống Nga Vladimir Putin dự họp thượng đỉnh với Liên minh châu Âu (EU) nhằm “cài đặt lại” quan hệ của khối với Moscow. Song, các nhà lãnh đạo EU bác bỏ đề xuất này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp gỡ tại Versailles (Pháp). Hai năm qua, Pháp đã chủ động “cài đặt lại” quan hệ với Nga. 	               Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp gỡ tại Versailles (Pháp). Hai năm qua, Pháp đã chủ động “cài đặt lại” quan hệ với Nga. Ảnh: AFP

Tờ The Guardian cho biết, chiến lược mới trong quan hệ với Nga là một trong những nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 24 và 25-6. Đề xuất tổ chức họp thượng đỉnh giữa EU và Nga được hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6.

Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron cho rằng, EU cần duy trì quan hệ đối thoại chặt chẽ hơn với Nga; đồng thời cần tổ chức lại thượng đỉnh EU - Nga, hoạt động bị “đóng băng” từ năm 2014 sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Merkel lý giải, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16-6 mở ra cánh cửa đối thoại mà EU cũng nên thực hiện với Moscow. Ông Macron cũng cho rằng, EU cần có đường hướng chung trong cách tiếp cận với Điện Kremlin.

Thực tế, trong số các nước EU, Đức và Pháp luôn giữ quan điểm rằng, châu Âu cần duy trì đối thoại thẳng thắn với Nga. Tuần trước, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Macron, Thủ tướng Merkel nêu rõ: “Chúng ta có lợi ích trong việc duy trì đối thoại với Nga nếu muốn có an ninh và ổn định tại châu Âu, dù đối thoại đó có khó khăn đến mức nào”. Berlin và Paris hy vọng EU sẵn sàng hợp tác với Moscow trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như: bảo vệ môi trường, chống khủng bố, đại dịch Covid-19 và các chương trình vũ trụ.

Tuy nhiên, đề xuất của Đức và Pháp vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU, nhất là các nước Đông Âu. Không những thế, theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo EU ngày 25-6 đã bác bỏ đề xuất, cho rằng chưa cần tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất ngay lập tức, mà chỉ duy trì và phát triển “một định dạng cho cuộc đối thoại” với Moscow. Một số quốc gia Đông Âu cũng muốn làm rõ về “một định dạng cho cuộc đối thoại” với Nga, chẳng hạn cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại như thế nào và các cơ quan thuộc EU sẽ đóng vai trò gì. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chỉ trích đề xuất của Đức và tuyên bố sẽ không dự bất kỳ cuộc đối thoại nào với Tổng thống Putin. Theo Tổng thống Romnia Klaus Iohannis, còn quá sớm để EU và Nga gặp thượng đỉnh.

Khủng hoảng Ukraine năm 2014 đã đẩy quan hệ giữa Nga và phương Tây vào tình trạng căng thẳng kéo dài, thậm chí ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. EU đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga và phía Moscow cũng có nhiều biện pháp đáp trả.

Tháng 1-2021, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẵn sàng cải thiện mối quan hệ với EU bởi hai bên có những điểm tương đồng về lịch sử và cần cùng nhau triển khai một chương trình nghị sự tích cực.

Ngoài Pháp và Đức, Ý là một trong số ít nước thành viên EU có những phát biểu “dễ chịu” nhất liên quan Nga. Chuyến thăm Nga của ông Giuseppe Conte lúc làm Thủ tướng Ý vào tháng 10-2018 dường như tạo đà “phá băng” quan hệ giữa hai nước. Ý có lẽ ủng hộ đề xuất của Đức và Pháp về một cuộc gặp thượng đỉnh với Nga, nhưng ý tưởng của Berlin và Paris chưa nhận được sự đồng thuận từ EU. Theo quan chức ngoại giao hàng đầu của EU, ông Josep Borrell, trong tương lai gần, việc cải thiện quan hệ giữa EU và Nga khó có khả năng xảy ra. Ông Borrell đã có chuyến thăm Nga hồi tháng 2-2021 nhưng không mang lại kết quả khả quan và chính ông từng nhận định rằng mối quan hệ giữa EU và Nga đang ở “ngã tư đường”.

Theo Bloomberg, khả năng quan hệ giữa Nga và EU nồng ấm trở lại là có thể, nhưng đó sẽ là một chặng đường dài, khi châu Âu cần một chiến lược mới với Moscow để duy trì “một cấu trúc an ninh ổn định”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Giải pháp hosting windows​ uy tín