Trong lúc Mỹ và lực lượng đồng minh chưa rút hết quân khỏi Afghanistan, bạo lực vẫn gia tăng trên khắp đất nước Nam Á này. Điều đó cho thấy người dân Afghanistan sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi tự làm chủ về an ninh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đón tiếp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Nhà Trắng ngày 25-6. Ảnh: Reuters |
Chuyến công du Mỹ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và gặp gỡ Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 25-6 là động thái thể hiện cam kết mạnh mẽ của Washington trong việc rút các binh sĩ về nước và ủng hộ chính phủ Kabul. Hãng tin Reuters cho biết, ngồi bên cạnh Tổng thống Ghani và ông Abdullah Abdullah - Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Người Afghanistan sẽ tự quyết định tương lai của họ, những gì mà họ muốn”, “Bạo lực vô nghĩa phải ngừng lại”.
Hồi tháng 4, Tổng thống Biden tuyên bố cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan sẽ chấm dứt vào tháng 9-2021 và “chỉ người dân Afghanistan mới có quyền cũng như trách nhiệm điều hành đất nước của họ”. Theo AP, cuộc chiến 20 năm đã làm hơn 2.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 20.000 người khác bị thương. Song, người dân Afghanistan còn chịu thiệt hại nặng nề hơn khi 66.000 binh sĩ của quốc gia Nam Á này đã chết và hơn 2,7 triệu người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, dẫn đến một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo nghiêm trọng.
Theo kế hoạch, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ sẽ tiến hành đợt rút quân quy mô lớn, để lại khoảng 650 binh sĩ Mỹ nhằm bảo vệ các nhà ngoại giao. Ngoài ra, hàng trăm binh sĩ khác của Mỹ cũng sẽ ở lại sân bay Kabul cho đến tháng 9.
Các Tổng thống Mỹ, từ thời ông Barack Obama đến ông Donald Trump, đều muốn rút quân khỏi Afghanistan. Ông Obama kết thúc nhiệm kỳ và để lại 8.400 binh sĩ ở Afghanistan. Ông Trump muốn rút hết quân nhưng rốt cuộc vẫn để lại 2.500 binh sĩ. Còn ông Biden dù biết rõ Afghanistan có thể lại rơi vào chiến tranh sau khi Mỹ rời đi, nhưng nếu ở lại thì binh lính Mỹ sẽ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công và tiếp tục sa lầy; hơn nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ không còn mang tính quyết định trong việc đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Ghani cũng hiểu Afghanistan phải giải quyết “những hậu quả” từ động thái rút quân của Mỹ.
Hãng tin AP cho hay, thời gian qua, bạo lực vẫn gia tăng khắp Afghanistan. Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ trong báo cáo hồi đầu tháng 5 đã kết luận: “Bằng nhiều biện pháp, Taliban đang có sức mạnh cao nhất kể từ năm 2001”. Hiện Taliban kiểm soát một phần lãnh thổ Afghanistan nên khoảng trống an ninh mà Mỹ tạo ra sẽ là thách thức không nhỏ cho chính phủ của ông Ghani. Thêm vào đó, Al-Qaeda có thể khôi phục các căn cứ của tổ chức khủng bố này ở Afghanistan.
Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, lực lượng này cam kết không cho phép Al-Qaeda hoặc các nhóm cực đoan khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa Mỹ. Song, không có gì bảo đảm việc Taliban sẽ giữ lời hứa, nhất là khi Mỹ đã không rút quân đúng hẹn vào ngày 1-5.
Hãng tin Reuters nhận định, các cuộc giao tranh cũng làm gia tăng những hoài nghi về đàm phán hòa bình do Mỹ hậu thuẫn giữa Taliban và chính phủ Kabul, vốn được bắt đầu ở Doha vào năm 2020 dưới thời ông Donald Trump, nhưng nay đang bế tắc; cũng như làm dấy lên quan ngại về khả năng Kabul đối phó với các vụ tấn công.
Ông Abdullah Abdullah nói rằng không nên ngừng đàm phán. Song, thực tế vẫn chưa rõ đối thoại sẽ được khởi động lại như thế nào để bảo đảm hòa bình lâu dài cho Afghanistan.
Liên Hợp Quốc từng nhiều lần khẳng định sẽ duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo của mình ở Afghanistan, kể cả sau khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân. Tuy nhiên, sau cuộc chiến 20 năm, cơ hội để Afghanistan có được hòa bình vẫn rất mong manh.
VĨNH AN