Thượng đỉnh Mỹ - Nga

Khởi đầu quá trình "tan băng"

.

Tổng thống Joe Biden mô tả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ngày 16-6 ở Geneva (Thụy Sĩ) là cuộc gặp “tích cực”, Tổng thống Vladimir Putin nhận định cuộc đối thoại “mang tính xây dựng”. Đây là bước khởi đầu cho quá trình “tan băng” trong quan hệ song phương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6. Ảnh: AP

Theo AP, trong số những kết quả đáng kể nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh có thỏa thuận về kế hoạch đối thoại, tham vấn giữa hai bên về an ninh mạng và kiểm soát vũ khí hạt nhân, cũng như thỏa thuận cho phép các đại sứ hai nước trở lại công việc của họ tại Washington và Moscow. Kết quả có phần nằm ngoài dự đoán, nhưng phù hợp với những nỗ lực cũng như lợi ích chung của các bên.

Rút ngắn thời gian đối thoại

Trước cuộc gặp ngày 16-6, phần lớn truyền thông quốc tế đưa tin rằng, hai nhà lãnh đạo dự kiến đối thoại khoảng 4-5 giờ. Song, cuộc gặp diễn ra trong 3 tiếng 21 phút, theo đài NPR (Mỹ). Việc giảm thời lượng trao đổi so với dự kiến cũng là tín hiệu cho thấy hai bên có thể có những vấn đề khác biệt không thể tiếp tục bàn thảo sâu hơn.

Tổng thống Biden cho biết, mặc dù muốn thiết lập “mối quan hệ ổn định và dễ dự đoán”, nhưng ông cũng nêu những chủ đề “khó chịu” với người đồng cấp Putin như các vụ tấn công mạng mà Nga bị cáo buộc có liên quan, việc Nga bắt giam 2 quân nhân Mỹ mà Washington cho là sai trái, cũng như cách hành xử của Moscow với các nhân vật chính trị đối lập.

Bất chấp việc Tổng thống Nga bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới các vụ tấn công mạng vào hệ thống hạ tầng thiết yếu của Mỹ, ông Biden vẫn ám chỉ thông điệp Washington sẵn sàng trả đũa mạnh mẽ nếu các vụ tấn công còn xảy ra. “Thật quan trọng khi có thể gặp nhau trực tiếp. Tôi đã làm những gì tôi cần làm khi tới đây”, ông Biden nói sau cuộc gặp. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp riêng, ông Putin nói: “...Chúng tôi đã thấy một vài tia hy vọng le lói”.

Hai Tổng thống không dự họp báo chung mà tổ chức các cuộc họp báo riêng. Điều này khác với lần trước, khi ông Putin gặp người tiền nhiệm Donald Trump tại Helsinki (Phần Lan), họ đã có cuộc họp báo chung. Và ở Geneva lần này, ông Putin cho biết hai nhà lãnh đạo không mời nhau tới thăm Moscow hay Washington - một điều vốn là thông lệ ngoại giao phổ biến giữa các nguyên thủ quốc gia trong các cuộc gặp thượng đỉnh.

Chung mục tiêu ổn định chiến lược

Theo báo New York Times, dù tồn tại những khác biệt và bất đồng sâu sắc, nhưng ông Biden vẫn bày tỏ lạc quan về việc ông Putin sẽ không theo đuổi tiến trình gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước. “Tôi đã nói với Tổng thống Putin rằng chương trình nghị sự của tôi không nhằm chống lại nước Nga hay bất cứ ai khác. Đó chỉ vì người dân Mỹ”, Tổng thống Biden phát biểu với báo giới.

Thực tế, có những tín hiệu hạ nhiệt. Trong tuyên bố chung, Nga và Mỹ thống nhất sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược. “Việc gia hạn Hiệp ước START gần đây là một minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định nguyên tắc sẽ không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được để cuộc chiến đó xảy ra”, tuyên bố nêu rõ. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga cũng cho biết, Moscow và Washington hiểu rằng cần bắt đầu đàm phán về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí “càng sớm càng tốt”. Tuyên bố chung về ổn định chiến lược là một diễn biến khá bất ngờ và là bước khởi đầu cho quá trình “tan băng” trong quan hệ song phương.

Ông Putin nói rằng, hai nước đã nhất trí việc các đại sứ của họ, ông Anatoly Antonov (Nga) và ông John Sullivan (Mỹ) - những người đã phải hồi hương hồi đầu năm nay - sẽ trở lại công việc tại Washington và Moscow. Hai nước cũng sẽ bắt đầu cơ chế “tham vấn” về an ninh mạng.

Mức độ thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Geneva, đúng như ông Biden nói, sẽ được xác định trong vài tháng tới, khi người ta chứng kiến những cải thiện trên thực tế trong quan hệ giữa hai nước. Mặc dù Tổng thống Biden nói rằng, ông không tự tin về việc người đồng cấp Putin sẽ thay đổi cách hành xử, nhưng ông cảm thấy rõ nhà lãnh đạo Nga không mong muốn quan hệ hai nước rơi vào tình trạng “Chiến tranh lạnh”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.