Covid-19 tới 6 giờ sáng 19-7: Anh lây nhiễm đứng đầu thế giới; Nhật Bản đối mặt làn sóng thứ 5

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 420.000 ca nhiễm và gần 6.500 ca tử vong. Anh ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất thế giới ngay trước "Ngày Tự do", trong khi thủ đô Tokyo đối mặt làn sóng thứ năm.

Một quầy hàng bán khẩu trang bên lề đường ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN
Một quầy hàng bán khẩu trang bên lề đường ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19-7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 191.182.429 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.105.144 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 428.106 và 6.467 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 174.139.266 người, 12.938.019 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 80.575 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Anh (48.161 ca), Indonesia (44.721) và Ấn Độ (38325 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.093 ca), tiếp theo là Brazil (với 891 ca) và Nga (764 ca).

Tuy thứ tự các nước có ca lây nhiễm và tử vong mới đã đổi vị trí, nhưng Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.963.332 người, trong đó có 624.745 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.143.595  ca nhiễm, bao gồm 414.141 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.376.574 ca bệnh và 542.214 ca tử vong.

Anh: Ca nhiễm mới cao nhất thế giới ngay trước "Ngày Tự do"

Hôm nay, 19-7, nước Anh bắt đầu "Ngày Tự do" với việc nới lỏng gần như toàn bộ các biện pháp phòng dịch bất chấp số ca lây nhiễm tăng mạnh trong những tuần gần đây. Ngày 18-7, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với 48/161 ca.

Hầu hết dân số trưởng thành ở Anh hiện đã được tiêm vắc-xin. Mặc dù chiến dịch tiêm chủng đã giúp giảm mạnh số người bị bệnh nặng và ca tử vong, nhưng số ca lây nhiễm đang tăng trở lại do biến thể Delta.

Theo quyết định của chính phủ Thủ tướng Boris Johnson, từ 19-7, hầu như toàn bộ các hạn chế ở Anh sẽ được dỡ bỏ, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang, giới hạn số người tụ tập cả trong nhà và ngoài trời; chỉ giãn cách xã hội với những người có xét nghiệm dương tính và ở sân ba; các địa điểm như hộp đêm, sân vận động được mở toàn bộ công suất.

Thủ tướng Boris Johnson tự cách ly do tiếp xúc ca mắc 

Cùng ngày, người phát ngôn văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo nhà lãnh đạo này sẽ tự cách ly theo hướng dẫn phòng chống dịch quốc gia sau khi được xác định đã tiếp xúc gần với một người mắc Covid-19.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cũng thực hiện cách ly tương tự Thủ tướng Johnson. Trước đó, Chính phủ Anh thông báo Thủ tướng Johnson và Bộ trưởng Sunak sẽ tham gia một chương trình thí điểm cho phép họ tiếp tục làm việc thay vì tự cách ly trong 10 ngày theo quy định áp dụng toàn quốc.

Tuy nhiên, chưa đầy 3 giờ đồng hồ sau đó, quyết định này đã bị hủy bỏ do những ý kiến chỉ trích của cử tri, đối thủ chính trị và chủ doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng Johnson sẽ tự cách ly tại tư gia ở vùng Chequers. Người phát ngôn cho hay ông Johnson sẽ "không tham gia chương trình thí điểm trên" và "sẽ tiếp tục họp với các bộ trưởng từ xa". 

Nga: Ca tử vong cao kỷ lục trong tuần thứ tư liên tiếp

Ban điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga ghi nhận hơn 5.400 ca tử vong trong bảy ngày qua. Đây là tỷ lệ tử vong tối đa được cập nhật trong tuần thứ tư liên tiếp.

Cụ thể, ngày 18-7, Ban điều hành đã ghi nhận 5.417 người tử vong trong bảy ngày qua. Đây là mức cao mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, tuần trước là 5.077 trường hợp tử vong được ghi nhận. Đồng thời, tỷ lệ tử vong trên nền nhiễm bệnh cao hầu như không thay đổi. So với cuối tuần qua, tỷ lệ này đã tăng từ 2,47% lên 2,49%.

Về số ca mắc mới, từ ngày 12 đến ngày 18-7, Nga ghi nhận 174.800 ca mắc. Con số này chỉ cao hơn 1,4% so với trong bảy ngày trước đó. Mặc dù vậy, ngày 18-7 là ngày thứ 3 liên tiếp, Nga ghi nhận hơn 25.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga, ngày 17/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga, ngày 17-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong diễn biến liên quan, thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, tình hình dịch bệnh tuy vẫn còn phức tạp, nhưng theo tuần, số ca mắc mới đang ít đi, số ca nhập viện cũng ngày càng ít đi. Tất cả là nhờ những biện pháp hạn chế đã được đưa ra, việc tiêm chủng hàng loạt và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu vệ sinh dịch tễ.

Do đó, kể từ ngày 19-7, tại thủ đô Moscow hủy yêu cầu mã QR về việc đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, hoặc đã bị mắc bệnh chưa quá 6 tháng để đến các nhà hàng, quán cà phê; mở cửa trở lại các sân chơi dành cho trẻ em.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin giải thích rằng, điều này trở nên khả thi, bao gồm nhờ việc tiêm chủng hàng loạt của người dân. Hơn 3,7 triệu người ở Moscow đã tiêm mũi đầu tiên, hơn hai triệu người đã tiêm đầy đủ cả hai mũi.

Hàn Quốc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội

Ngày 18-7, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết nước này sẽ cấm tụ tập hơn 4 người ở các khu vực bên ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận từ ngày 19-7 trong nỗ lực khống chế đà lây lan của dịch Covid-19 trên toàn quốc. 

Hầu hết các khu vực bên ngoài Seoul và vùng phụ cận đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2, trong đó cấm các cuộc tụ tập trên 8 người. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng cường biện pháp chống dịch bệnh vì các khu vực khác cũng đã chứng kiến sự gia tăng các ca Covid-19 mới trong những ngày gần đây.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết sẽ sử dụng ngân sách bổ sung để giãn cách học sinh trong lớp học nhằm mở thêm nhiều lớp học trực tiếp vào tháng 9 tới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bộ đã yêu cầu các trường học trên toàn quốc sử dụng tổng cộng 6.360 tỷ won (5,5 tỷ USD) để thực hiện kế hoạch này, như xây dựng các phòng học tạm thời.

Hàn Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 18-7 thông báo có thêm 1.454 ca mắc mới, mức cao nhất trong các ngày Chủ nhật từ trước tới nay (ngày cuối tuần thường có ít người làm xét nghiệp hơn). Trong số các ca mắc mới này có 1.402 ca lây nhiễm trong nước. Như vậy, đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 177.951 ca mắc Covid-19.

Nhật Bản: Thủ đô Tokyo đối mặt làn sóng dịch thứ 5

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 5 khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là khai mạc Olympic. Ngày 18-7, nhà chức trách Tokyo ghi nhận có thêm 1.008 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày.

Trước đó một ngày, Tokyo đã ghi nhận 1.410 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 21-1 (ghi nhận 1.485 ca). Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã xác nhận 2 ca đầu tiên mắc Covid-19 trong số các vận động viên đang lưu trú tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo và 1 vận động viên không lưu trú tại đây.

Những vận động viên đầu tiên mắc Covid-19 tại Làng vận động viên

Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 ngày 18-7 đã xác nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên trong số các vận động viên đang lưu trú tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Trước đó một ngày, một trường hợp không phải vận động viên lưu trú tại đây  đã được xác định mắc Covid-19.

Ủy ban trên cho biết trong số 10 người nước ngoài tới Nhật Bản liên quan tới Olympic vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, có 2 vận động viên ở Làng vận động viên và 1 vận động viên khác không lưu trú tại đây. Hai vận động viên lưu trú tại Làng vận động viên nói trên có cùng quốc tích và thi đấu cùng bộ môn.

Trong khi đó, Nam Phi cũng thông báo 3 ca mắc Covid-19 trong đội tuyển bóng đá thi đấu tại Olympic, trong đó có 2 cầu thủ Thabiso Monyane và Kamohelo Mahlatsi. Theo lịch thi đấu, đôi tuyển Nam Phi sẽ gặp đội chủ nhà Nhật Bản vào ngày 22-5 tới. 

Ngoài ra, thành viên người Hàn Quốc Ryu Seung-min thuộc Ủy ban Olympic quốc tế có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi đến Nhật Bản. Trước đó, Ryu Seung-min, một cựu vận động viên Olympic, đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Các phóng viên làm việc tại trung tâm báo chí Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Các phóng viên làm việc tại trung tâm báo chí Olympic Tokyo 2020 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 18-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia: Số bác sĩ tử vong do Covid-19 cao kỷ lục 

Theo tờ Straits Times, số bác sĩ tử vong vì Covid-19 tại Indonesia đã tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7, theo Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI).

Có tổng cộng 114 bác sĩ đã tử vong từ ngày 1 đến 17-7, con số cao nhất trong bất kỳ khoảng thời gian nào tương tự, và chiếm tới trên 20% trong tổng số 545 bác sĩ đã tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Giới chức IDI hiện rất lo ngại nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ.

Các ca tử vong ở bác sĩ đã tăng ở Indonesia, bất chấp tỉ lệ tiêm vắc-xin cho nhóm nhân viên y tế đạt 95%. Điều này đã khiến chính phủ quyết định sử dụng vắc-xin Moderna, sản xuất theo công nghệ mới mRNA, làm mũi tiêm tăng cường cho những nhân viên y tế đã tiêm vắc-xin Sinovac, công nghệ truyền thống.

Trước sự tấn công của biến thể Delta, Indonesia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới trong những ngày gần đây. Nước này cũng chỉ xếp thứ hai thế giới, sau Brazil, về số ca tử vong mới.

Thái Lan mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp hạn chế

Ngày 18-7, Chính phủ Thái Lan thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang 3 tỉnh để phòng dịch Covid-19 sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong ngày thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, nhóm điều hành Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) Thái Lan cũng đề xuất các biện pháp phong tỏa bổ sung. 

Thông báo trên Công báo Hoàng gia Thái Lan nêu rõ từ ngày 20-7, ba tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và thực hiện lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau.

Từ ngày 12-7 vừa qua, thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác đã thực hiện những biện pháp nêu trên. Đây là những hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng trong hơn 1 năm qua tại Thái Lan, trong bối cảnh nước này đang đối phó với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. 

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) Thái Lan Opas Karnkawinpong cho rằng số ca mắc mới và tử vong vì dịch Covid-19 tại Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 3-4 tháng nếu không có bất kỳ biện pháp ngăn chặn bổ sung nào. Theo ông Opas Karnkawinpong, các biện pháp hiện tại phải được tăng cường, đặc biệt là hạn chế đi lại và di chuyển để ngăn chặn sự lây truyền.

Lào: Ca nhiễm mới cao nhất từ khi dịch bùng phát

Bộ Y tế Lào ngày 18-7 thông báo thêm 131 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đó có 8 ca lây nhiễm cộng đồng tại tỉnh Champasak. Số ca mắc mới còn lại đều là người nhập cảnh và được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào tiếp tục bày tỏ quan ngại trước sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta đang khiến dịch diễn biến phức tạp tại nước láng giềng Thái Lan. Đặc biệt, việc áp dụng phong tỏa tại Thái Lan khiến lượng lớn lao động Lào tại quốc gia láng giềng thất nghiệp về nước mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao vào cộng đồng.

Trước tình hình trên, Lào tiếp tục kêu gọi lao động Lào làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan về nước thông qua các cửa khẩu chính ngạch để được hỗ trợ nhập cảnh, sàng lọc y tế và cách ly theo quy định.

Malaysia: Ca tử vong mới cao chưa từng thấy

Bộ Y tế Malaysia ngày 18-7 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 153 ca tử vong do mắc Covid-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số tử vong do dịch bệnh này lên 7.019 người.

Trong 24 giờ qua Malaysia cũng có thêm 10.710 ca nhiễm mới, trong đó 10.698 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca nhập cảnh. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Malaysia là 916.561.

Trong một phát biểu đưa ra cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob kêu gọi người dân kiên nhẫn vì dự kiến sẽ mất 4-5 tháng nữa mới có thể đi lại giữa các bang. Ông nhấn mạnh việc đi lại giữa các bang phải đợi tới khi Malaysia đạt miễn dịch cộng đồng, dự kiến vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới, do đó người dân không nên đi xuyên bang về quê vào dịp lễ hội Hari Raya Haji (trong tháng 7).

Cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 44.721 ca mắc mới và 1.093 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 2.877.476 và 73,582.

Singapore: Ca nhiễm mới cao nhất trong 11 tháng

Bộ Y tế Singapore cũng thông báo ghi nhận thêm 88 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ tháng 8-2020, chủ yếu do số ca nhiễm mới tăng nhanh liên quan đến quán bar, karaoke KTV và cảng cá Jurong. Trong số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, có tới 23 ca liên quan đến "ổ dịch" KTV và 37 ca liên quan đến cảng cá Jurong.

Để phòng ngừa, nhà chức trách Singapore ngày 18-7 đã quyết định đóng các cửa hàng bán cá tươi và hải sản tại tất cả các khu chợ, đồng thời xét nghiệm Covid-19 cho các chủ quầy.

Cũng trong ngày 18-7, Campuchia ghi nhận thêm 845 ca mắc mới, trong đó có 315 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 67.181 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 30 ca tử vong do mắc Covid-19, đưa tổng số người không qua khỏi lên 1.106.

Trong khi đó, Thái Lan vừa ra lệnh ngừng các chuyến bay nối Bangkok với các tỉnh có nguy cơ Covid-19 cao, bắt đầu từ ngày 21-7 tới, ngoại trừ các chuyến bay y tế, hạ cánh khẩn cấp và các chuyến bay liên quan đến chương trình mở cửa lại du lịch. Các chuyến bay nội địa khác chỉ được khai thác ở mức 50% công suất.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.