Afghanistan trước thềm nội chiến

.

Sau nhiều ngày giao tranh, Taliban đã chiếm được Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan, đặt quốc gia Nam Á này trước nguy cơ bùng nổ nội chiến.

Lực lượng Taliban có mặt trên đường phố Ghazni sau khi chiếm được thành phố này. Ghazni cách thủ đô Kabul chỉ khoảng 150km. 				      Ảnh: AP
Lực lượng Taliban có mặt trên đường phố Ghazni sau khi chiếm được thành phố này. Ghazni cách thủ đô Kabul chỉ khoảng 150km. Ảnh: AP

Tính đến ngày 13-8, tổng cộng 14 thành phố của Afghanistan đã rơi vào tay Taliban, theo Reuters. Điều này tạo thế mong manh cho thủ đô Kabul, nhất là khi thành phố Ghazni cách Kabul chỉ khoảng 150km - đóng vai trò là lá chắn của thủ đô - đã bị Taliban kiểm soát trước đó.

Al-Qaeda có thể trở lại

Việc Taliban chiếm thành phố Kandahar ở miền nam vào ngày 13-8 là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của chính phủ Afghanistan trong chiến dịch ngăn chặn làn sóng tấn công của nhóm phiến quân. Kandahar được coi là quê hương của Taliban, khi lực lượng này (nòng cốt là các tay súng người Pashtun) nổi lên từ năm 1994 trong bối cảnh Afghanistan trải qua nội chiến giữa nhiều nhóm sắc tộc.
Tại thành phố Herat - miền tây Afghanistan, nơi có khoảng 600.000 người dân sinh sống, theo CNN, nhiều người dân đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, những người ở lại thì không dám ra khỏi nhà. Herat là trung tâm dân cư lớn, có 1 sân bay quốc tế, nằm trên đường huyết mạch chạy tới biên giới Iran và Turkmenistan.

Hiện chính phủ Afghanistan vẫn giữ vững các thành phố lớn như Mazar-i-Sharif ở phía bắc, Jalalabad gần biên giới Pakistan và thủ đô Kabul. Tuy nhiên, đà tấn công mạnh mẽ của Taliban cho thấy sự thất thế của chính phủ Afghanistan mặc dù tương quan lực lượng hai bên có sự chênh lệch, với lợi thế nghiêng về phía quân đội chính phủ. Phát biểu với BBC Breakfast, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo Afghanistan có nguy cơ rơi vào nội chiến, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Al-Qaeda có thể trở lại quốc gia Nam Á này khi tình hình an ninh ngày càng xấu đi.

Theo PA Media, ông Wallace nhận định, thỏa thuận mà Nhà Trắng dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống và Taliban ký kết ở Doha (Qatar) hồi tháng 2-2020 về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là “sai lầm”. Song, ông Wallace lý giải, nước Anh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo. Các lực lượng Anh được triển khai tới Afghanistan vào năm 2001 và tổng cộng 457 binh sĩ đã thiệt mạng. Cựu Chỉ huy Bộ Tư lệnh lực lượng liên quân Anh Richard Barrons hôm 8-8 cũng mô tả cuộc rút quân khỏi Afghanistan của phương Tây là “sai lầm chiến lược” bởi có nguy cơ dẫn đến việc khủng bố quốc tế trở lại quốc gia Nam Á này.

Mỹ, Anh triển khai quân đến Afghanistan

Ngày 13-8, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Anh ra thông cáo cho biết, Anh sẽ triển khai khoảng 600 binh sĩ tới Afghanistan trong thời gian ngắn để hỗ trợ bảo đảm an ninh, giúp công dân Anh trở về nhà. Hoạt động của nhân viên sứ quán Anh ở thủ đô Kabul cũng giảm xuống mức tối thiếu, chủ yếu tập trung vào công tác lãnh sự và thị thực dành cho những người cần sớm rời khỏi Afghanistan.

Về phía Mỹ, AP cho biết, Washington bất ngờ điều khoảng 3.000 binh sĩ đang trên đường đến Afghanistan nhằm hỗ trợ đưa các nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ trở về nước. Theo kế hoạch, Mỹ chấm dứt sự hiện diện ở Afghanistan vào cuối tháng 8. Song, ngày 12-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington vẫn cam kết đối với an ninh và sự ổn định của Afghanistan, đồng thời duy trì quan hệ ngoại giao, an ninh chặt chẽ với chính phủ Kabul. Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tuyên bố rút quân đã nhấn mạnh rằng sẽ không để Afghanistan rơi vào tay Taliban. Vì vậy, những gì đang diễn ra khiến Mỹ hứng chịu những chỉ trích rằng, việc vội vàng rút quân đã tạo ra khoảng trống an ninh cho lực lượng khủng bố trỗi dậy.

Vấn đề đặt ra là Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani không đoàn kết được các lực lượng trong nước để chống lại Taliban. Ngày 11-8, ông đáp chuyến bay đến thành phố phía bắc Mazar-i-Sharif, nơi được xem là thành trì chống Taliban, để tập hợp lực lượng. Phản ứng của lực lượng chính phủ đối với các bước tiến của Taliban vẫn quá yếu ớt. Mỹ vẫn cho rằng, tình hình có thể khác đi nếu Tổng thống Ghani tập hợp được lực lượng và hành động quyết đoán hơn. Song, không thể phủ nhận các lực lượng Afghanistan vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ.

Chính phủ Afghanistan nói rằng họ đã đề xuất một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban để chấm dứt tình trạng xung đột. Tuy nhiên, với những gì đang xảy ra, Taliban có thể phớt lời mọi đề xuất hòa đàm và việc đạt được một giải pháp chính trị trong lúc này là điều bất khả thi.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.