An ninh biển - vấn đề mang tính toàn cầu

.

Mặc dù đã có Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng đã thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết về những lĩnh vực khác nhau liên quan an ninh hàng hải và tội phạm hàng hải…, nhưng vấn đề an ninh biển vẫn luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, trở thành mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Tại cuộc họp mở trực tuyến “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” của LHQ vào tối 9-8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu bật 5 vấn đề đáng quan tâm hiện nay, đó là: Dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hải; giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế; các quốc gia cùng nhau giải quyết các mối đe dọa bắt nguồn từ các thực thể phi Nhà nước và thảm họa thiên nhiên; bảo tồn môi trường và các tài nguyên biển, đồng thời nêu bật tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa và tràn dầu; kết nối có trách nhiệm và cần phải có một cấu trúc thúc đẩy thương mại biển, với việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu.

Trước đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Vì không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết các khía cạnh đa dạng của an ninh hàng hải, điều quan trọng là phải xem xét vấn đề này một cách tổng thể trong HĐBA LHQ. Một cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh hàng hải sẽ bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động hàng hải hợp pháp, chống lại các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực hàng hải”.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất thiết lập một cơ cấu đặc biệt trong hệ thống LHQ nhằm trực tiếp giải quyết các vấn đề chống tội phạm hàng hải ở các khu vực khác nhau. Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi chống lại tội phạm xuyên quốc gia một cách hiệu quả hơn, ngăn chặn việc sử dụng biển và đại dương cho các mục đích tội phạm. Ngoài ra, ông Putin nhấn mạnh Nga muốn hỗ trợ bảo đảm an ninh ở các khu vực vịnh Persia và Đại Tây Dương, nơi các vụ cướp biển diễn ra thường xuyên hơn.

Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cập tình hình an ninh Biển Đông khi cho rằng: “Xung đột ở Biển Đông hoặc ở bất kỳ đại dương nào sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại”. Ông Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu thuyền trên biển và các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải trái pháp luật”, đồng thời cho biết Washington lo ngại về các hành động “đe dọa và bắt nạt các quốc gia khác tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên hàng hải của họ”. Ông Blinken nói rằng, đây là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, chứ không chỉ của các nước có yêu sách đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông, phải bảo vệ các quy tắc mà họ đã đồng ý tuân theo để giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Có thể nói, việc Ấn Độ đề xuất, chủ trì và đưa ra 5 vấn đề mang tính toàn cầu về an ninh biển ra thảo luận trong bối cảnh hiện nay đã đáp ứng được sự quan tâm của các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế; thông qua đó gia tăng sự hợp tác có trách nhiệm của các quốc gia nhằm bảo đảm an ninh biển giữa các nước trong khu vực và các nước liên quan để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những mối đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên biển; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để ngư dân mỗi nước khai thác các nguồn lợi từ biển theo phạm vi, chủ quyền lãnh hải của quốc gia cũng như bảo đảm an ninh - an toàn cho thương mại, kinh tế quốc tế.

Ngày 21-7, với tư cách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ chủ trì tổ chức cuộc họp trực tuyến Nhóm bạn bè của UNCLOS với chủ đề “Tầm quan trọng của UNCLOS trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 của LHQ về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương (SDG 14)”. Các ý kiến phát biểu đánh giá cao chủ đề thảo luận phù hợp với mối quan tâm của LHQ về thúc đẩy thực hiện đầy đủ UNCLOS trong quá trình thực hiện SDG 14 về bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương. Các nước khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, đánh giá cao vai trò của cơ chế giải quyết tranh chấp thành lập theo UNCLOS trong thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển dựa trên luật lệ, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Một số ý kiến bày tỏ mong muốn sớm khôi phục tiến trình đàm phán văn kiện về đa dạng sinh học ngoài vùng quyền tài phán, quan tâm đến việc sử dụng công nghệ, khoa học trong nghiên cứu, khai thác, bảo tồn biển và đại dương. Các nước cũng chia sẻ thách thức như: ô nhiễm môi trường biển, các hành vi sử dụng biển và đại dương thiếu bền vững, thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của các tranh chấp trên biển đối với phát triển bền vững.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.