Tương lai nào cho Afghanistan?

.

Trong lúc lực lượng Taliban chiếm được các thủ phủ lớn ở Afghanistan, Tổng thống Ashraf Ghani cho rằng, đàm phán hòa bình đã “chết” và quốc gia Nam Á này chuẩn bị bước vào nội chiến.

Lực lượng Mỹ và Afghanistan tham gia một chiến dịch tuần tra ở làng Pandola, thành phố Jalalabad. Ảnh: Reuters
Lực lượng Mỹ và Afghanistan tham gia một chiến dịch tuần tra ở làng Pandola, thành phố Jalalabad. Ảnh: Reuters

Hãng tin Bloomberg cho biết, trong cuộc họp với người đứng đầu các bộ lạc và các lãnh đạo chính trị ngày 9-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani quyết định “huy động và trang bị vũ khí” cho lực lượng dân quân địa phương để ngăn chặn Taliban lật đổ chính phủ của ông ở thủ đô Kabul. Lối thoát của chính phủ Afghanistan lúc này là tập hợp các phe nhóm trong nước chống lại Taliban để chuẩn bị ứng phó với một cuộc nội chiến.

Từ ngày 6-8 đến 9-8, Taliban đã chiếm lần lượt 6 thủ phủ, gồm Zaranj, Sherberghan, Kunduz, Sar-e-Pul, Taliqan và Aybak, mà không đối mặt với sự phản kháng đáng kể nào từ lực lượng của chính phủ. Sự sụp đổ của 6 thủ phủ lớn này cho thấy Taliban đang thắng thế, trong lúc Mỹ và các thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp rút hết binh sĩ về nước.

Theo báo New York Times, bất chấp làn sóng tấn công của Taliban, Mỹ vẫn không có kế hoạch hoãn việc rút quân. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói rằng, nhiệm vụ quân sự của Washington ở Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31-8 và người dân Afghanistan cần phải tự quyết định tương lai của chính mình. Ông Biden khẳng định sẽ không điều thêm một thế hệ người Mỹ nào nữa tới cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan. Ngày 9-8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cũng nhấn mạnh, những gì tại Afghanistan hiện nay là câu chuyện mà đích thân người Afghanistan phải giải quyết. Điều đó cho thấy cho thấy cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan - cuộc chiến làm hơn 2.400 quân nhân Mỹ thiệt mạng - đã kết thúc, lực lượng Afghanistan sẽ phải “tự thân vận động” trong việc giành lại các thủ phủ, hoặc nhìn chúng rơi vào tay Taliban. Hãng tin Bloomberg cho rằng, chính phủ Tổng thống Ghani cảm thấy bị cô lập, trong lúc Taliban thắng thế và giành được sự ủng hộ về ngoại giao từ các nước như Pakistan, Nga, Trung Quốc.

Một vấn đề đặt ra là chính phủ của Tổng thống Ghani vẫn để ngỏ đàm phán về thỏa thuận hòa bình, nhưng người phát ngôn Mohammad Amiri của nhà lãnh đạo này nói rằng, Taliban hiện quay lưng với các giải pháp chính trị. Vì vậy, không còn cách nào khác, ông Ghani phải trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân địa phương để chống lại Taliban. “Thật không may, Taliban không tin các cuộc đàm phán hòa bình. Họ đang cố gắng dùng vũ lực để giành quyền lực và những hành động như vậy thì không được người dân cũng như chính phủ Afghanistan chấp nhận”, người phát ngôn Amiri lý giải.

Vòng đàm phán mới đây nhất giữa Taliban và chính phủ Afghanistan diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar vào ngày 17-7 nhưng không mang lại kết quả nào. Hai bên chỉ thống nhất chung chung rằng sẽ tiếp tục đàm phán. Song, không có cuộc gặp nào sau đó nữa. Ngày 31-7, phát biểu với nội các, ông Ghani nhận định, Taliban không có thiện chí cho hòa bình cũng như cho việc xây dựng đất nước. “Chúng ta muốn hòa bình, nhưng họ muốn chúng ta đầu hàng”, ông Ghani nói.

Khi Mỹ công bố kế hoạch rút hết lực lượng chiến đấu từ Afghanistan về nước, có những lo ngại rằng khoảng trống an ninh ở quốc gia Nam Á này sẽ tạo cơ hội cho Taliban và các lực lượng khủng bố trỗi dậy. Song, việc chính phủ Afghanistan nhanh chóng để mất quyền kiểm soát hàng loạt thành phố là điều bất ngờ, đồng thời làm dấy lên những chỉ trích rằng cuộc rút quân vội vàng của Mỹ có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực.

Hiện tại, Taliban chưa thể chiếm được thủ đô Kabul, nơi có 6 triệu dân. Song, các vụ đánh bom xe, tấn công sát hại các quan chức chính quyền đã xảy ra tại thành phố này. Ông Ryan Crocker, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan dưới thời ông Barack Obama làm Tổng thống nói rằng, quốc gia Nam Á dường như đang trượt vào một cuộc nội chiến kéo dài và chính Tổng thống Ghani cũng cho rằng, đất nước của ông sắp bước vào nội chiến.

Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad kêu gọi Taliban ngừng giao tranh và đàm phán về một giải pháp chính trị ở Doha trong tuần này. Song, theo các nhà quan sát, khó có khả năng Taliban chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán lúc này.

3.500
là số binh sĩ của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã thiệt mạng kể từ năm 2001 đến nay ở Afghanistan, trong đó 2/3 là quân nhân Mỹ. Ngoài ra, cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm đã làm hơn 20.000 binh sĩ Mỹ bị thương. (Theo BBC)

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.