Mỹ có thể tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi

.

Giới chức y tế của Mỹ cho biết, vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech có thể sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5-11 tuổi tại nước này từ cuối tháng 10 tới.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khẳng định sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: Getty Images
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khẳng định sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: Getty Images

Thực tế những ngày qua cho thấy, sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Delta đang khiến kế hoạch cho phép học sinh trở lại trường học trực tiếp của nhiều bang ở Mỹ bị đảo lộn. Hàng chục ngàn học sinh, sinh viên phải quay lại học trực tuyến, hoặc tạm dừng việc học vì những tác động đáng ngại của dịch bệnh.

Theo báo Wall Street Journal, kể từ khi năm học mới khởi động vào cuối tháng 7 tới nay, ít nhất 1.000 trường học tại 31 bang của Mỹ đã phải đóng cửa, tập trung nhiều nhất ở khu vực Deep South - một tiểu vùng văn hóa gồm các bang Alabama, Georgia, Louisiana, Mississippi và Nam Carolina. Deep South từng được mở lại trường học trước tiên ở Mỹ. Vì vậy, những gì đang bị đảo lộn tại đây vì biến thể Delta khiến nhiều bang khác lo ngại tình huống có thể tái diễn khi học sinh trở lại trường vào đầu tháng 9 này. Chẳng hạn, tại bang Mississippi, kể từ khi hầu hết các trường khai giảng năm học mới hồi đầu tháng 8, tổng cộng hơn 13.700 ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận trong số các học sinh. Tại bang New Mexico, gần 10% trong tổng số 317.000 học sinh đã phải cách ly theo dõi y tế. Tại Georgia, hơn một nửa số ổ dịch bùng lên trong tuần kết thúc ngày 27-8 có liên quan các trường học, theo dữ liệu của sở y tế địa phương.

Trong tuần cuối cùng của tháng 8, số liệu thống kê của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ càng khiến dư luận lo lắng hơn khi trẻ em chiếm 22,4% tổng số ca mắc Covid-19 của toàn nước Mỹ.

Biến thể Delta đang lây lan chủ yếu trong số các ca bệnh nhi Covid-19 và tiếp tục nhân lên trong các cộng đồng dân cư có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp, chủ yếu ở khu vực miền nam nước Mỹ. Một báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nhận thấy các thanh, thiếu niên chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 nếu nhiễm bệnh thì có nguy cơ phải nhập viện cao gấp 10 lần so với các bạn cùng lứa khác đã tiêm.

TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nhiều lần lặp lại thông điệp cho rằng, để bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi - nhóm trẻ em chưa thể tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 lúc này tại Mỹ vì chưa có loại nào được phê chuẩn, cần phải tạo ra môi trường xung quanh các em gồm những người đã được tiêm ngừa. Ông Fauci cũng thúc giục chính phủ liên bang ban hành quy định yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp học.

Trong bối cảnh năm học mới đã bắt đầu và chẳng bao lâu nữa nước Mỹ bước vào mùa đông lạnh giá - thời điểm thuận lợi cho virus sinh sôi, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đang đối mặt với sức ép phải tăng tốc quá trình phê chuẩn vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi.

Tại thời điểm này, đang có một số nghiên cứu tìm hiểu về cơ chế phản ứng của hệ miễn dịch trẻ em với các vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có. Tuy nhiên, theo trang Politico, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer//BioNTech nhanh nhất cũng phải tới cuối tháng 9 này mới có, trong khi của Moderna sẽ chậm hơn nữa, phải tới cuối năm nay. TS. Fauci nói rằng, vắc-xin của Pfizer có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em ở Mỹ từ tháng 10, còn vắc-xin của Moderna cũng có thể được cấp phép cho cùng nhóm đối tượng này nhưng muộn hơn khoảng 3 tuần.

Dù vậy, tin tốt lành là cho tới nay trẻ em vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các ca nhiễm Covid-19 mức nặng hay tử vong. Các nhà khoa học đã nêu một số giả thuyết lý giải cho vấn đề này; trong đó có ý kiến cho rằng, trẻ em có một lượng tế bào nào đó có khả năng tạo phản ứng miễn dịch nhanh hơn so với người lớn khi mắc bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi để lẩn trốn hệ miễn dịch của con người.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(theo WSJ, Hill, CDC, Politico)

;
;
.
.
.
.
.