Taliban lập chính phủ lâm thời ở Afghanistan khiến dư luận quốc tế phản ứng thận trọng cùng xu hướng học cách chung sống an toàn với dịch Covid-19 trên thế giới là hai thông tin được quan tâm nhất tuần qua.
Lộ diện chính phủ của Taliban
Ngày 7-9, phong trào Hồi giáo Taliban đã tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời ở Afghanistan cùng với bản danh sách các thành viên nội các. Trong đó, Mohammad Hasan Akhund - cố vấn của người sáng lập tổ chức Mullah Omar, sẽ lãnh đạo chính phủ mới. Động thái này diễn ra sau khi lực lượng này thông báo đã giành được kiểm soát thành trì kháng chiến Panjshir cũng như bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ hoà hữu với các quốc gia trên thế giới.
Ông Mullah Mohammad Hasan Akhund (giữa) được bổ nhiệm là Thủ tướng trong Chính phủ mới, ông Mujahid Abdul Ghani Baradar (phải) là Phó Thủ tướng. Bộ trưởng Nội vụ là ông Sarajuddin Haqqani, Bộ trưởng Quốc phòng là ông Mullah Yaqoob trong khi Ngoại trưởng là ông Amir Khan Muttaqi và Thứ trưởng Ngoại giao là ông Abas Stanikzai. Ảnh: India Today/TTXVN |
Đáng lưu ý, nhiều bộ trưởng trong nội các bao gồm toàn đàn ông và toàn gương mặt nội bộ quen thuộc của Taliban lại đang nằm trong sách truy nã khủng bố của chính phủ Mỹ.
Người phát ngôn của Taliban cho hay quyết định bổ nhiệm 33 thành viên trong nội các là điều cần thiết để kiện toàn chính phủ mới. Những vị trí còn lại sẽ được thông báo sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Nhân vật Akhund, người giữ chức thủ tướng lâm thời, cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc.
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, trước đó, nhóm tay súng Hồi giáo này cam kết sẽ tổ chức một chính phủ “hòa nhập” đại diện cho những thành phần dân tộc đa dạng của Afghanistan, mặc dù phụ nữ ít cơ hội được đưa vào những vị trí cao.
Nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, Mullah Haibatullah Akhunzada cũng cho biết chính phủ mới sẽ hướng tới duy trì luật lệ Hồi giáo Sharia, tái thiết đất nước, đồng thời khuyên người dân không nên rời bỏ quốc gia Nam Á này.
Lực lượng Taliban tuần tra tại Mazar-i-Sharif, thủ phủ tỉnh Balkh, Afghanistan, ngày 31-8. Ảnh: THX/TTXVN |
Đáp lại tuyên bố trên, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định chính phủ Mỹ chưa vội công nhận chính phủ lâm thời do Taliban thành lập. Ngoài ra, Mỹ bày tỏ mối lo ngại về lý lịch của một số thành viên nội các Taliban. Một người phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn Taliban đảm bảo rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không bị sử dụng làm nơi đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác cũng như cho phép tiếp cận nhân đạo để hỗ trợ người dân Afghanistan”.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq trả lời phóng viên tại New York rằng chỉ có cách giải quyết thông qua đàm phán mới có thể đem lại hoà bình ổn định cho Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay ông sẽ theo dõi chặt chẽ đường hướng tương lai của chính phủ mới này.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-9 ra tuyên bố đề cập đến tiến trình thành lập chính phủ lâm thời tại Afghanistan, cho rằng thành phần nội các mà Taliban mới công bố không mang tính đại diện cho của các nhóm khác nhau theo như tuyên bố trước đó của lực lượng này. Một số quốc gia như Đức và Nhật Bản cũng bày tỏ sự thận trọng trước chính phủ mới ở Afghanistan. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá tình hình Afghanistan hiện nay chưa có gì đáng lạc quan.
Là nước chung đường biên giới với Afghanistan, Trung Quốc lại nhìn nhận việc Taliban thành lập chính phủ mới là bước đi cần thiết để tái thiết lại đất nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh đã sẵn sàng duy trì liên lạc với các nhà lãnh đạo của chính phủ mới tại Afghanistan.
Trong tuần qua, lực lượng Taliban cũng ban hành một số quy định nghiêm ngặt mới như: treo rèm ngăn nam sinh và nữ sinh trong trường học, cấm phụ nữ chơi thể thao, cũng như cấm mọi hình thức biểu tình.
Thêm nhiều nước muốn sống chung an toàn với Covid-19
Đánh giá đại dịch Covid-19 đã bước sang thời kỳ mới, nhiều quốc gia đã chọn cách sống chung an toàn. Thay vì phong toả kéo dài gây đình trệ kinh tế và cản trở đến cuộc sống của người dân, các nhà chức trách đang đổi mới chính sách chống dịch theo hướng mới.
Ngày 10-9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với Covid-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa. Tổng thống Widodo nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và cũng bắt đầu học cách sống chung với Covid-19. Ông đồng thời nhắc nhở người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
Thay đổi nhận thức về Covid-19 của chính phủ Indonesia xuất phát từ nhận định rằng căn bệnh này sẽ không thể biến mất trong tương lai gần.
Trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, giới chức Thái Lan cũng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và một số tỉnh du lịch nổi tiếng đối với người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Tổng cục Du lịch Thái Lan thông báo từ ngày 1-10-2021, tất cả du khách nước ngoài đã tiêm có thể đến thăm Bangkok và bốn tỉnh khác mà không phải cách ly 2 tuần giống như mô hình du lịch "Hộp cát" được thí điểm tại đảo nghỉ dưỡng Phuket từ tháng 7.
Mặc dù số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày trong tuần ca tại Singapore ở mức cao kỷ lục, quốc đảo này vẫn theo đuổi lộ trình chung sống với dịch bệnh kết hợp với điều chỉnh linh hoạt chính sách chống dịch. Tuy vậy, Bộ Y tế Singapore khẳng định sẽ chưa vội thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại do vẫn cần phải theo dõi tình hình các ca bệnh nặng trong 2-4 tuần tới. Nếu trong tầm kiểm soát, kế hoạch mở cửa trở lại có thể được xúc tiến. Bộ Y tế Singapore cho biết: “Chúng ta đang ở một giai đoạn rất khác trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Báo cáo được sửa đổi sẽ phản ánh các vấn đề nổi cộm như công suất bệnh viện có đang bị quá tải hay không”.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 10-9-2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Tương tự các quốc gia trên, Hàn Quốc đang nỗ lực hướng đến áp dụng mô hình sống chung với Covid-19 khi đạt mục tiêu chủng cho 90% dân vào cuối tháng 10 tới. Điều này có nghĩa Hàn Quốc có khả năng bắt đầu áp dụng mô hình “sống chung an toàn với dịch Covid-19” từ thời điểm trên.
Cũng trong ngày 10-9, Đan Mạch chính thức xoá bỏ biện pháp giới hạn liên quan đến Covid-19 cuối cùng ở quốc gia này, theo đó, người đến câu lạc bộ đêm không cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng nữa. Chương trình sử dụng “hộ chiếu vaccine” tại hầu hết địa điểm công cộng đã được Copenhagen áp dụng từ tháng 3 cho đến hết tháng 8, ngoại trừ câu lạc bộ đêm kéo dài đến ngày 9-9. Trước đó, người dân Đan Mạch không còn phải bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng hay tuân thủ giãn cách xã hội.
Chuyên gia dịch tễ học Lone Simonsen trả lời AFP: “Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu đi lại tự do. Điều xảy ra ngay bây giờ là virus sẽ lưu hành và nó sẽ nhắm vào những người không tiêm chủng. Giờ đây, nhờ vaccine, virus SARS-CoV-2 không còn là mối đe dọa xã hội nữa”. Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Đan Mạch đã diễn ra nhanh chóng, đạt tỷ lệ 73% trong nền dân số 5,8 triệu người đã tiêm đủ hai liều, trong đó có 96% người từ 65 tuổi trở lên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quốc gia Scandinavia này đã được hưởng lợi từ việc công chúng có ý thức tuân thủ các hướng dẫn trong chiến lược chống Covid-19.
Theo Báo Tin tức