Vắc-xin phòng sốt rét cho trẻ em: Hy vọng lớn cho nhân loại

.

Lần đầu tiên một loại vắc-xin phòng sốt rét cho trẻ em nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). TS. Pedro Alonso, Giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO, gọi đây là sự kiện lịch sử và cho rằng việc tìm ra vắc-xin thế hệ đầu tiên chống ký sinh trùng ở người là một bước tiến về khoa học.

WHO phê duyệt vắc-xin Mosquirix, do hãng dược GlaxoSmithKline của Anh sản xuất. Ảnh: The Guardian
WHO phê duyệt vắc-xin Mosquirix, do hãng dược GlaxoSmithKline của Anh sản xuất. Ảnh: The Guardian

Sốt rét đã khiến hơn 400.000 người tử vong mỗi năm, một nửa trong số này là trẻ em dưới 5 tuổi và nơi vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nhất là khu vực hạ Sahara châu Phi.

WHO khuyến nghị sử dụng

Ngày 6-10, WHO phát thông cáo cụ thể về vắc-xin sốt rét có tên RTS,S/AS01, tên biệt dược là Mosquirix, do hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh sản xuất. WHO khuyến nghị nên dùng vắc-xin này cho trẻ em tại các khu vực có nguy cơ mắc bệnh từ trung bình tới mức cao, đồng thời nên dùng 4 liều cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên.

Khuyến nghị nói trên dựa trên các kết quả thu được của chương trình triển khai thí điểm từ năm 2019 và vẫn đang diễn ra với hơn 800.000 trẻ em tại 3 quốc gia châu Phi là Ghana, Kenya, Malawi. “Đây là khoảnh khắc lịch sử. Loại vắc-xin sốt rét dành cho trẻ em được chờ đợi lâu nay là một đột phá trong khoa học, trong chăm sóc sức khỏe trẻ em và kiểm soát bệnh sốt rét”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong thông cáo ngày 6-10. “Việc sử dụng vắc-xin này, bên cạnh các công cụ hiện có để phòng sốt rét có thể cứu sống hàng ngàn người mỗi năm”, ông Tedros cho biết thêm.

Sốt rét vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em tại vùng hạ Sahara châu Phi. Mỗi năm có hơn 260.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở “lục địa đen” chết vì bệnh này. “Trong suốt nhiều thế kỷ, sốt rét đã đeo bám vùng hạ Sahara châu Phi, gây bao nỗi khổ sở cho con người”, bác sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi nói. “Từ lâu, chúng tôi hy vọng có một loại vắc-xin ngừa sốt rét hiệu quả và nay đã có loại đầu tiên… Khuyến nghị hôm nay mang lại tia hy vọng cho châu lục vốn phải chịu đựng gánh nặng lớn nhất từ căn bệnh. Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều trẻ em được bảo vệ trước bệnh sốt rét và trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh”, bà Moeti nói tiếp.

Hiệu quả của vắc-xin mới

Vắc-xin phòng sốt rét Mosquirix có khả năng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây bệnh sốt rét thường có trong một số loại muỗi cụ thể. Trong các kết quả thử nghiệm lâm sàng (trong đó vắc-xin sốt rét được tiêm thành nhiều liều), hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng và tử vong đạt khoảng 30% ở những trẻ đã tiêm ngừa trong suốt thời gian 4 năm triển khai thử nghiệm. Đến nay, hơn 2,3 triệu liều vắc-xin sốt rét đã được tiêm tại 3 quốc gia châu Phi Ghana, Kenya và Malawi.

Thoạt nhìn vào tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin sốt rét, nhiều người có thể thấy nó dường như thấp hơn nhiều so với hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19 bằng công nghệ mRNA. Tuy nhiên, theo các mô hình nghiên cứu công bố ngày 30-11-2020 trên trang dữ liệu khoa học Plos Medicine, tỷ lệ này đủ hiệu quả để ngăn ngừa khoảng 5,4 triệu ca bệnh và 23.000 ca tử vong ở trẻ mỗi năm nếu vắc-xin được triển khai rộng rãi tại những nước bị ảnh hưởng bệnh sốt rét nặng nhất.

Hiện các biện pháp phòng ngừa và thuốc điều trị sốt rét đều đã có, song một vắc xin hiệu quả sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng trước căn bệnh này. Đặt trong bối cảnh cả thế giới đang ứng phó với Covid-19, những ảnh hưởng của bệnh sốt rét đối với kinh tế thậm chí còn nặng nề hơn. Khoảng 88 triệu người dân châu Phi đang sống trong tình trạng cực nghèo. Covid-19 đảo ngược mọi thành tựu tiến bộ đã có sau hàng thập niên nỗ lực với những thành tựu phát triển của thế giới nói chung và châu Phi nói riêng.

Sau khuyến nghị của WHO về vắc-xin sốt rét Mosquirix cho trẻ em, vấn đề còn lại tùy thuộc vào mức đầu tư ngân sách của cộng đồng quốc tế cho những chiến dịch mở rộng tiêm chủng, cũng như quyết định của mỗi quốc gia trong việc có đưa vắc-xin này vào chương trình kiểm soát sốt rét của nước đó hay không.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo WHO, Axios, Plos Medicine)

;
;
.
.
.
.
.