Iran và các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân mà hai bên đã ký vào năm 2015 đã thống nhất gặp nhau tại Vienna (Áo) vào ngày 29-11 tới. Tuy nhiên, trước thềm đàm phán, Mỹ cùng các đồng minh Arab cáo buộc Iran gây ra khủng hoảng hạt nhân và gây mất ổn định ở Trung Đông.
Các quan chức ngoại giao Iran tới Vienna (Áo) tham gia các cuộc đàm phán hồi tháng 4-2021. Ảnh: TÂN HOA XÃ |
Theo hãng thông tấn AFP, tuyên bố chung được đưa ra ngày 17-11 sau cuộc họp giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở Saudi Arabia cho rằng, Iran gây ra khủng hoảng hạt nhân cũng như làm mất ổn định khu vực Trung Đông bằng các tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. “Tất cả các bên tham gia thúc giục chính phủ mới của Iran nắm bắt cơ hội ngoại giao hiện tại” từ việc nối lại các cuộc đàm phán ở Vienna nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, ngăn chặn xung đột và khủng hoảng”, tuyên bố chung nêu rõ.
Tuyên bố chung còn cho rằng, Iran đã thực hiện những bước đi mà nước này không có nhu cầu dân sự, nhưng lại quan trọng với chương trình vũ khí hạt nhân. Đại diện Mỹ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Oman, Kuwait đã chỉ trích những gì mà họ cho là “các chính sách khiêu khích và nguy hiểm của Iran, bao gồm việc phổ biến và sử dụng trực tiếp tên lửa đạn đạo tiên tiến” và máy bay không người lái. Theo AFP, các nước tham dự cuộc họp cáo buộc Iran hậu thuẫn các lực lượng vũ trang trong khu vực và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này gây ra đe dọa rõ ràng với an ninh, sự ổn định của khu vực.
Hồi tháng 4 vừa qua, Saudi Arabia và Iran đã có các cuộc đối thoại trực tiếp lần đầu tiên tại thủ đô Baghdad của Iraq nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai quốc gia sau 4 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao. Năm 2018, khi ông Donald Trump rút Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), Saudi Arabia ủng hộ động thái này. Trước thềm cuộc đối thoại nói trên, Riyadh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận chặt chẽ hơn, với các tiêu chuẩn cao hơn nhằm hạn chế chương trình tên lửa và kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực.
Theo AFP, các nước vùng Vịnh giờ đây muốn “xây dựng các kênh ngoại giao hiệu quả với Iran” nhằm xoa dịu căng thẳng”. Song, “Mỹ và các thành viên GCC nhấn mạnh, những nỗ lực ngoại giao của họ sẽ không thành công nếu Iran tiếp tục gây ra khủng hoảng hạt nhân”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
Đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran dự kiến được nối lại vào ngày 29-11 tới nhằm khôi phục JCPOA. Ngày 16-11, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định Tehran hoàn toàn nghiêm túc về các cuộc đàm phán hạt nhân. Ngày 18-11, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Ali Bagheri Kani nói rằng, điều kiện cho thành công của các cuộc đàm phán ở Vienna là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Trong khi đó, Axios dẫn nguồn tin từ Mỹ và Israel cho biết, các quan chức hai nước đang thảo luận về ý tưởng thiết lập một thỏa thuận hạt nhân ngắn hạn với Iran trong lúc đàm phán vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, mục tiêu của thỏa thuận tạm thời là để các nước có thêm thời gian đàm phán. Mỹ muốn Iran ngừng hoạt động làm giàu uranium ở mức 60% để đổi lấy việc giải phóng một số tài sản của Tehran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, phía Israel có thể không đồng ý với đề xuất nói trên vì lo ngại thỏa thuận ngắn hạn có thể trở thành thỏa thuận vĩnh viễn.
Iran cũng đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện đầy đủ JCPOA nếu các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết. Song, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay, hiện tổng số uranium làm giàu ở mức 20% của Iran tăng lên 113,8kg, tăng từ mức 84,3kg hồi tháng 9; và lượng uranium làm giàu ở mức 60% là 7,7kg. Vì vậy, chưa thể nói gì về khả năng khôi phục được JCPOA hay không bởi tiến trình này còn phụ thuộc vào động thái của các bên liên quan.
PHÚC NGUYÊN