Các nhà khoa học vẫn tìm nguồn gốc Covid-19

.

Hai năm kể từ khi Covid-19 bùng phát, nguồn gốc của loại virus gây bệnh này vẫn là điều bí ẩn, dù nhiều biến thể của nó đã liên tiếp xuất hiện.

Nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO đến chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 31-1-2021. Ảnh: AP
Nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO đến chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 31-1-2021. Ảnh: AP

Theo AP, hầu hết các nhà khoa học tin rằng, SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở động vật hoang dã và lây từ dơi sang người, bằng cách trực tiếp hoặc thông qua một động vật khác. Một giả thuyết khác cho rằng, virus đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Hiện tại, khi số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã lên đến hơn 268,8 triệu ca và 5,3 triệu ca tử vong, một nhóm các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tập trung tìm nguyên nhân từ những gì mà họ cho là “động vật gây bệnh”, hoặc lây từ động vật sang con người, với hy vọng những phát hiện sẽ giúp con người chống lại các loại virus và biến thể mới. “Bạn biết đấy, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thu hút nhiều sự quan tâm ở nhiều nơi, chẳng hạn như trên Twitter, nhưng không có bằng chứng cho thấy virus này đã có ở phòng thí nghiệm”, hãng tin AP dẫn lời nhà khoa học Stephen Goldstein của Đại học Utah (Mỹ) nói. Nhà khoa học này đã cùng 20 chuyên gia khác viết một bài báo đăng trên  tạp chí khoa học Cell hồi tháng 8 vừa qua và đưa ra bằng chứng về nguồn gốc của Covid-19 từ động vật.

Michael Worobey - chuyên gia truy vết sự tiến hóa di truyền của virus tại Đại học Arizona (Mỹ), người tham gia bài báo nói trên - hồi tháng trước đã phát hiện sự khác biệt về thời điểm nhiễm bệnh của 2 ca nhiễm đầu tiên. Ông Worobey thông tin công bố trên các tạp chí y khoa, các video phỏng vấn những người được tin là đã nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc và cho rằng, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được biết đến là một phụ nữ bán hàng ở chợ hải sản Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), chứ không phải là nhân viên kế toán sống cách đó nhiều cây số.

Nghiên cứu nói trên đăng trên tạp chí Science ngày 18-11 một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận về nguồn gốc Covid-19. Ngoài ra, ông Worobey cũng ghi nhận hơn 100 ca nhiễm hồi tháng 12-2019 không liên quan dịch tễ với chợ hải sản nhưng sống gần chợ.

Một số người ủng hộ giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm cho rằng, các nhà nghiên cứu vô tình bị phơi nhiễm khi làm việc với các mẫu từ tự nhiên, hoặc có thể sau khi tạo ra virus trong phòng thí nghiệm. Các quan chức tình báo Mỹ đã bác bỏ nghi ngờ Trung Quốc đã phát triển loại virus này như một vũ khí sinh học.

Hồi đầu năm nay, một báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc cho rằng, việc lây truyền virus từ dơi sang người thông qua một loài động vật khác là kịch bản “có khả năng xảy ra nhất” và một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

Việc tiếp tục tìm kiếm câu trả lời về nguồn gốc Covid-19 đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số chuyên gia thậm chí lo ngại sẽ không thể tìm ra được nguồn gốc của đại dịch.

Liên quan đến biến thể Omicron của SARS-CoV-2, hãng tin Reuters cho biết, ngày 10-12, Singapore đã ghi nhận ca nhiễm cộng đồng đầu tiên liên quan biến thể Omicron. Còn tại Trung Quốc, phát biểu với báo chí, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nói rằng, biến thể Omicron là sự kết hợp giữa các biến thể Beta và Delta, nhưng dù đột biến thế nào thì vẫn là SARS-CoV-2 nên các loại vắc-xin hiện nay vẫn có hiệu quả. Hơn nữa, vắc-xin đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng, tử vong và nhập viện.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí khoa học New Scientist, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO cho biết, các chuyên gia đã thấy toàn bộ mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron và mọi người sẽ chết vì nó. Theo bà, việc các nước hành động như thế nào trong 10 tuần tới sẽ tác động mạnh mẽ đến những gì sẽ xảy ra trong năm 2022.

HOÀNG DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.