Covid-19 phủ bóng không khí đón năm mới 2022

.

Thế giới đang trải qua những ngày cuối cùng của năm 2021 trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong 7 ngày, từ 22 đến 28-12, trung bình hơn 935.000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày.

Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Thời đại, New York (Mỹ). Ảnh: AP
Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Thời đại, New York (Mỹ). Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tăng ở mức kỷ lục trong 7 ngày (từ 22 đến 28-12) với tổng cộng 6.550.000 ca, trung bình hơn 935.000 ca/ngày. Nhiều quốc gia công bố số ca nhiễm mới tăng cao trong vòng 24 giờ như Mỹ, Argentina, Úc, Bolivia và nhiều nước ở châu Âu.

Tại Mỹ, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày là hơn 277.000, phá vỡ kỷ lục 250.000 ca mới mỗi ngày hồi tháng 1-2020. Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia dịch tễ học, ông John Brownstein, làm việc tại Bệnh viện Nhi Boston, nói rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron cùng việc người dân đi du lịch và tụ tập trong kỳ nghỉ đón năm mới khiến số ca nhiễm tăng kỷ lục.

Ngày 29-12, Argentina ghi nhận con số đáng báo động với hơn 42.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ tháng 5 vừa qua. Con số này tại Canada lần đầu tiên vượt mốc 20.000 ca.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Úc tăng lên gần 18.300, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 11.300 ca được ghi nhận trước đó một ngày. Ireland có thêm hơn 16.400 ca trong ngày 29-12. Pháp cũng đang chứng kiến làn sóng Covid-19 mới, với thêm 208.000 trường hợp nhiễm, đánh dấu số ca nhiễm mới cao chưa từng có và là kỷ lục mới ghi nhận tại châu Âu.

Bồ Đào Nha có thêm hơn 26.800 ca nhiễm - mức cao nhất từ trước đến nay. Bồ Đào Nha là một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với gần 90% dân số đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cơ bản và gần 2,4 triệu người đã tiêm mũi thứ ba.

Anh có thêm 183.000 ca nhiễm. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, ông không áp đặt các giới hạn mới trong năm 2021 dù biến thể Omicron đang lây lan và chiếm 90% số các ca nhiễm cộng đồng hiện tại ở xứ sở sương mù. Theo TS. Jenny Harries, Giám đốc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), cơ quan này cần theo dõi dữ liệu trong vài tuần tới để đánh giá chắc chắn làn sóng dịch đang diễn ra theo hướng nào.

Dù số ca nhiễm mới gia tăng, nhưng số ca tử vong do Covid-19 lại giảm. Theo AFP, thế giới ghi nhận khoảng 6.450 ca tử vong/ngày trong 7 ngày (từ 22 đến 28-12), mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10-2020.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29-12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, các biến thể Delta và Omicron là hai mối đe dọa khiến số ca nhiễm tăng kỷ lục. “Tôi rất lo ngại Omicron, có khả năng lây nhiễm cao và lây lan cùng lúc với Delta, dẫn đến “trận sóng thần” về số ca nhiễm”, Reuters dẫn lời ông Tedros nhấn mạnh.

Người đứng đầu WHO kêu gọi các quốc gia chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng và cho rằng việc chú trọng tiêm vắc-xin tăng cường ở các nước giàu có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc-xin ở các nước nghèo hơn. Ông Tedros cho hay, WHO đang vận động để tất cả các nước/vùng lãnh thổ đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% vào giữa năm 2022, từ đó giúp thế giới chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch TS. Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO khẳng định, tổ chức này giữ nguyên nhận định rằng đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022. TS. Ryan cảnh báo các nước cần thận trọng khi nới lỏng các quy định về cách ly đối với người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần. Hiện chính phủ nhiều nước quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhiễm Covid-19, như Tây Ban Nha rút ngắn thời gian cách ly từ 10 ngày còn 7 ngày, Ý hủy bỏ quy định tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần.

Tuy biến thể Omicron đang lây lan toàn cầu và phủ bóng không khí đón năm mới 2022, nhưng TS. Ryan vẫn cho rằng, còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của Omicron.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.