Bất ổn ở Kazakhstan: Đâu là nguồn cơn?

.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev khẳng định, trật tự hiến pháp cơ bản đã được khôi phục ở tất cả các khu vực của đất nước và các chính quyền địa phương đang kiểm soát tình hình bạo loạn. Vậy đâu là nguồn cơn khủng hoảng ở quốc gia giàu dầu mỏ này?

Cảnh sát chống bạo động ngăn chặn dòng người biểu tình trên đường phố Almaty của Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: AP
Cảnh sát chống bạo động ngăn chặn dòng người biểu tình trên đường phố Almaty của Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: AP

Theo AP, Kazakhstan đang trải qua các cuộc biểu tình bạo lực nhất trên đường phố kể từ khi giành độc lập cách đây 3 thập niên. Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan gây ra quan ngại tại hai cường quốc láng giềng: Nga và Trung Quốc. Phần lớn lượng dầu mỏ xuất khẩu của Kazakhstan được bán cho Trung Quốc và quốc gia Trung Á này là đồng minh chiến lược then chốt của Nga. Trong số 18 triệu dân Kazakhstan, có 20% là người Nga. Hơn nữa, Nga và Kazakhstan còn có đường biên giới chung hơn 7.600km.

Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng gấp đôi

Từ ngày 1-1-2022, việc giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Kazakhstan bất ngờ tăng từ 60 lên 120 tenge/lít (từ 0,14 lên 0,28 USD) làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo loạn ở thị trấn Zhanaozen xa xôi thuộc khu vực phía tây. Sau đó, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình ở hàng chục thành phố, thị trấn. Tại Almaty - thành phố lớn nhất Kazakhstan, người biểu tình tấn công cảnh sát, chiếm văn phòng Thị trưởng và các cơ sở khác.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev xoa dịu căng thẳng bằng việc giải tán toàn bộ chính phủ vào ngày 5-1, nhưng ngay sau đó lại thay đổi chiến lược. Ông mô tả những người biểu tình là khủng bố, rồi kêu gọi sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu.

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Tokayev ngày 7-1 khẳng định, chính quyền địa phương đang kiểm soát tình hình. “Trật tự hiến pháp phần lớn đã được khôi phục tại tất cả các khu vực trên cả nước”, ông Tokayev nói.

Khủng hoảng lần này là bài toán khó đối với Tổng thống Tokayev khi ông lên nắm quyền chưa đầy 3 năm. Trong số 5 nước cộng hòa Trung Á giành được độc lập sau khi Liên Xô tan rã, Kazakhstan là nước lớn nhất và giàu có nhất. Quốc gia này trải dài trên một lãnh thổ có diện tích bằng Tây Âu và nằm trên đỉnh của trữ lượng khổng lồ về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, uranium và kim loại quý. Vì vậy, những người biểu tình cho rằng, việc tăng giá khí đốt là không công bằng vì Kazakhstan có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ.

Bất bình đẳng kinh tế - xã hội

Theo AP, sự giàu có tự nhiên của Kazakhstan đã giúp hình thành một tầng lớp trung lưu vững chắc cũng như giới tài phiệt siêu giàu, nhưng tình trạng khó khăn tài chính vẫn còn phổ biến. Mức lương trung bình hằng tháng trên toàn quốc chỉ dưới 600 USD. Hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc do các khoản nợ xấu. Nạn tham nhũng vặt đang tràn lan.

Cũng theo các nhà quan sát, nguồn gốc sâu xa của tình trạng bất ổn còn là việc người dân Kazakhstan muốn chấm dứt ảnh hưởng của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, hiện 81 tuổi, nắm quyền ở quốc gia này suốt 3 thập niên. Ông Nazarbayev đã chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Tokayev vào năm 2019, nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia nên có ảnh hưởng lớn.

Trong lúc tình trạng bất bình đẳng kinh tế - xã hội đang diễn ra ngày càng trầm trọng do Covid-19, việc giá khí đốt bất ngờ gia tăng là giọt nước tràn ly, khiến các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng. LPG có vai trò quan trọng với người dân Kazakhstan, bởi được sử dụng để vận hành ô-tô. Tuy nhiêên, các cuộc biểu tình bạo lực không có người hay tổ chức đứng ra lãnh đạo. Vì vậy, chính phủ Kazakhstan không biết đối thoại với ai.

Ngày 5-1, Tổng thống Tokayev giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia thay thế ông Nazarbayev, đồng thời cam kết chính phủ điều chỉnh giá nhiên liệu trong vòng 180 ngày, tạm hoãn tăng thuế cho người dân và trợ cấp thuê nhà cho một số nhóm đối tượng, nhưng vẫn không xoa dịu được căng thẳng.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ đồn đoán rằng Mỹ đứng đằng sau cuộc biểu tình bạo lực ở Kazakhstan. Trong khi đó, Tổng Thư ký CSTO Stanislav Zas cho hay, khoảng 2.500 binh sĩ gìn giữ hòa bình được triển khai đến Kazakhstan và con số này có thể gia tăng nếu cần thiết, nhưng đây dự kiến sẽ là một sứ mệnh ngắn, kéo dài “vài ngày hoặc vài tuần”.

Song, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc Nga quyết định can thiệp vào cuộc bạo loạn ở Kazakhstan. Giới quan sát cho rằng, đây là động thái chưa có tiền lệ của Nga trong giới hạn mà Moscow luôn giữ với các nước từng thuộc Liên Xô (cũ).

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.