'Cổng địa ngục' rực lửa suốt 50 năm đứng trước nguy cơ bị 'xóa sổ'

.

Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymuhamedov đã yêu cầu chính phủ tìm biện pháp để dập tắt “Cổng địa ngục”, vốn luôn cháy rực lửa trên sa mạc Karakum suốt 50 năm qua. 

Hố gas bốc cháy, hay còn được gọi là
Hố gas bốc cháy, hay còn được gọi là "Cổng địa ngục", nằm trên sa mạc Karakum ở Turkmenistan. Ảnh: AFP

Miệng hố chứa đầy khí gas này nằm gần ngôi làng Darvaza, cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 270km. Nơi đây có tên gọi chính thức là “Hào quang của Karakum”, song người bản địa thường gọi mỏ khí đốt tự nhiên này là “Cổng địa ngục”.

Là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Turkmenistan, miệng hố rộng 60 mét này hình thành sau một vụ nổ khí gas năm 1971. Chính quyền quốc gia Trung Á này đã yêu cầu châm lửa đốt bên trong hố do lo ngại thứ khí độc hại này có thể đe dọa đến con người và sinh vật sống trong khu vực. 

Ban đầu, các chuyên gia dự đoán khí gas sẽ nhanh chóng bị đốt hết, nhưng bằng cách nào đó, nó vẫn tiếp tục phun lửa cho đến tận ngày hôm nay. Theo truyền thông địa phương, chiếc hố khổng lồ luôn cháy đỏ lửa thường được so sánh như cánh cổng đi vào thế giới bên kia vì vẻ đẹp đầy đáng sợ của nó.

Đáng tiếc, ngành du lịch tại Turkmenistan chưa thực sự bùng nổ khi chỉ có chưa đầy 10.000 lượt khách quốc tế đến thăm mỗi năm. Đây có thể là một lý do quan trọng đằng sau quyết định dập tắt ngọn lửa của Tổng thống Berdymuhamedov.

Tại cuộc họp chính phủ trực tuyến ngày 7-1, nhà lãnh đạo Turkmenistan phát biểu rằng quốc gia này đang đánh mất dần các nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, vốn có tiềm năng xuất khẩu ra nước ngoài và thu lợi nhuận để cải thiện đời sống của người dân. Theo ông, khí gas bốc lên từ miệng hố cũng gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. 

Ông Berdymuhamedov đã chỉ đạo Phó Thủ tướng phụ trách giám sát lĩnh vực khí đốt tổ chức cuộc họp với các nhà khoa học để tìm ra cách xử lý ngọn lửa. Năm 2010, ông từng đưa mệnh lệnh đóng “Cổng địa ngục” tương tự, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.