Nga giúp Kazakhstan tháo gỡ khủng hoảng

.

Đợt điều quân chớp nhoáng của Nga nhằm hỗ trợ chính phủ nước láng giềng Kazakhstan đối phó với tình trạng bất ổn được coi là thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin về quyết tâm bảo vệ quốc gia từng thuộc Liên Xô (cũ).

Lực lượng cảnh sát chống bạo động ngăn chặn những người biểu tình trên đường phố Almaty của Kazakhstan. Ảnh: AP
Lực lượng cảnh sát chống bạo động ngăn chặn những người biểu tình trên đường phố Almaty của Kazakhstan. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cho biết, tình hình bất ổn ở Kazakhstan hiện được kiểm soát. Các nhà chức trách Kazakhstan ngày 9-1 thông báo đã bắt giữ hơn 5.000 đối tượng quá khích trong làn sóng biểu tình. Các cơ quan thực thi pháp luật thiết lập 70 trạm kiểm soát trên khắp cả nước nhằm ngăn chặn tình trạng bạo loạn tái bùng phát.

Kazakhstan đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh quân sự được thành lập năm 1992 gồm 6 quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) do Nga dẫn đầu - đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến giúp nước này ổn định trật tự khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu leo thang thành bạo loạn. Tất cả các thành viên của CSTO đều điều động binh sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan.

Hãng tin AP nhận định: Việc Nga đưa lực lượng đến Kazakhstan sẽ tác động đáng kể đến cuộc đàm phán giữa Moscow với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề Ukraine. Theo kế hoạch, cuộc hội đàm giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Nga sẽ bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10-1, sau đó là cuộc họp Hội đồng Nga - NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 12-1.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga lại đưa lực lượng đến Kazakhstan, một động thái hiếm thấy và sự can thiệp của CSTO được cho là có thể gây ra những tác động địa chính trị sâu rộng ở khu vực.

Theo AP, một số nhà phân tích cho rằng, việc can dự vào bất ổn ở Kazakhstan không nằm trong tính toán của Tổng thống Putin bởi ông không muốn giải quyết 2 cuộc xung đột cùng lúc. Cả Kazakhstan lẫn Ukraine đều là những quốc gia từng thuộc Liên Xô (cũ) mà ông Putin muốn duy trì ảnh hưởng của Nga. Ukraine nay đã thân phương Tây và có mối quan hệ căng thẳng với Nga kể từ vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và khủng hoảng ở vùng Donbas.

Trong khi đó, Kazakhstan - nền kinh tế lớn nhất ở Trung Á - là đối tác chiến lược quan trọng của Nga. Đường biên giới giữa Nga và Kazakhstan dài gần 7.000km, là biên giới trên bộ liên tục dài nhất thế giới và là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Moscow. Hơn nữa, Kazakhstan còn là thành viên của liên minh quân sự CSTO.

Quân đội Nga tiến vào Kazakhstan ngày 6-1 để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và các cơ quan của chính phủ nước sở tại. Một ngày sau đó, tình thế đã xoay chiều, lực lượng của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev khôi phục quyền kiểm soát sân bay và các tòa nhà chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachyov nói rằng, Moscow quyết tâm bảo vệ các “sân sau” của mình. Điều quan trọng là việc điều quân cũng là nhằm bảo đảm duy trì quan hệ đồng minh giữa Nga và Kazakhstan, dù ai nắm quyền tại quốc gia Trung Á này trong tương lai.

Sau bất ổn lần này, Kazakhstan dù vẫn duy trì quan hệ với Mỹ nhưng sẽ thân Nga hơn, tương tự Belarus với đợt biểu tình bất ổn hồi tháng 8-2020. Ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng hiện cao hơn bất cứ thời điểm nào. Điều đó càng tạo thuận lợi cho Nga trong các cuộc đàm phán với Mỹ và NATO về đề xuất an ninh 8 điểm liên quan Ukraine, trong đó có yêu cầu liên minh quân sự này không mở rộng sang phía đông và kết nạp những thành viên mới như Ukraine hay Georia.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.