Nghị viện châu Âu có nữ Chủ tịch 43 tuổi

.

Việc bà Roberta Metsola (43 tuổi) - người trẻ nhất và là phụ nữ - được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu mang đến hy vọng về sức sống và những điều mới mẻ cho cơ quan lập pháp này cũng như cho “lục địa già”.

Bà Roberta Metsola, tân Chủ tịch Nghị viện châu Âu, phát biểu nhậm chức ngày 18-1 tại trụ sở Nghị viện ở thành phố Strasbourg, Pháp. Ảnh: Twitter của bà Roberta Metsola
Bà Roberta Metsola, tân Chủ tịch Nghị viện châu Âu, phát biểu nhậm chức ngày 18-1 tại trụ sở Nghị viện ở thành phố Strasbourg, Pháp. Ảnh: Twitter của bà Roberta Metsola

Bà Metsola, thành viên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo tại Cộng hòa Malta, được bầu làm Chủ tịch cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-1. Như vậy, tới nay, có 3 trong 4 ghế quan trọng nhất tại liên minh 27 nước được trao cho phụ nữ. Ngoài tân Chủ tịch Nghị viện Metsola còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde. Hiện tại, gần 60% nghị sĩ châu Âu là nam giới và độ tuổi trung bình khoảng 50.

“Người kết nối”

Báo New York Times cho biết, bà Metsola đảm nhiệm vị trí mới sau khi người tiền nhiệm David Sassoli (đảng Xã hội Ý) đột ngột qua đời hồi tuần trước ở tuổi 65 vì bạo bệnh. Bà là chính trị gia đầu tiên của Cộng hòa Malta - quốc gia nhỏ bé nhất EU ở miền trung Địa Trung Hải với hơn nửa triệu dân - giữ một vị trí cao như vậy tại EU.

Niềm vui đến với bà Metsola vào đúng sinh nhật (18-1) của bà. Đặc biệt hơn, bà là Chủ tịch trẻ nhất của Nghị viện châu Âu khi đắc cử ở tuổi 43. Thực tế, bà đã là quyền Chủ tịch Nghị viện từ ngày 11-1 sau khi ông Sassoli tạ thế. “Tôi hiểu việc có một nữ Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện từ năm 1999 có ý nghĩa với cả trong lẫn ngoài các căn phòng này, nhưng điều đó cần phải tiến xa hơn nữa”, bà Metsola nói trước toàn thể Nghị viện trong diễn văn nhậm chức ngày 18-1. “Nghị viện của chúng ta cam kết có thêm sự đa dạng, bình đẳng giới, bảo đảm các quyền của phụ nữ, tất cả các quyền của chúng ta phải được tái khẳng định”, bà nói tiếp.

Theo báo The Independent, bà Metsola sẽ dẫn dắt cơ quan lập pháp EU - tổ chức đang ngày càng có quyền lực hơn trong các năm qua - và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho liên minh 27 nước về các vấn đề như kinh tế số, biến đổi khí hậu và Brexit.

Được biết là người kết nối hết lòng và tận tụy giữa các đảng phái, bà Metsola khẳng định sẽ tiếp tục duy trì phong cách làm việc của người tiền nhiệm Sassoli vì một EU đoàn kết, phát triển và thịnh vượng. Dù vậy, bà cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng đón nhận cơ hội cải tổ giúp Nghị viện hiện đại và hoạt động hiệu quả hơn.

Nhiều thách thức

Theo AFP, khi là thành viên của Nghị viện châu Âu, bà Metsola luôn đi đầu trong các vấn đề về nhập cư. Là người có nhiều quan điểm tân tiến về quyền của nữ giới và các vấn đề của cộng đồng LGBT, nhưng bà mẹ của 4 cậu con trai cũng giữ quan điểm bảo thủ về vấn đề phá thai khi quyết liệt phản đối chuyện này.

Tháng 6-2021, bà Metsola đã bỏ phiếu phản đối một báo cáo kêu gọi mọi thành viên EU “bảo đảm việc tiếp cận phổ biến với phá thai an toàn và hợp pháp” cho phụ nữ. Ngay trong ngày nhậm chức 18-1, bà Metsola khẳng định kiên quyết bảo vệ quan điểm ủng hộ hoàn toàn lập trường chống phá thai. Bà cũng luôn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nạn tham nhũng và xói mòn luật pháp, nhất là tại quê nhà Malta.

Là thành viên của Đảng Nhân dân châu Âu, đảng phái chính trị chiếm thế đa số tại Nghị viện châu Âu, bà Metsola cũng sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức khi điều hành cơ quan lập pháp này giải quyết các vấn đề lớn như kiềm chế phát thải carbon, thượng tôn luật pháp và thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các ông lớn công nghệ như Google, Facebook…. Ngoài ra, bà sẽ phải chèo lái mối quan hệ giữa Nghị viện châu Âu với 2 cơ quan quản lý quyền lực khác của khối là Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. Thực tế, 3 nhánh quyền lực này thường cạnh tranh nhau về tầm ảnh hưởng và Nghị viện châu Âu vẫn thường bị xem là cơ quan quyền lực “yếu nhất”.

Nghị viện châu Âu có trụ sở tại thành phố Strasbourg (Pháp), đại diện cho khoảng 450 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) và luôn tự hào là “trái tim của nền dân chủ EU”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.