Triều Tiên gửi thông điệp gì đến Mỹ và đồng minh?

.

Triều Tiên xác nhận đã phóng 2 tên lửa dẫn đường chiến thuật ngày 17-1 nhằm kiểm tra độ chính xác của hệ thống vũ khí này. Với 4 vụ thử vũ khí chỉ trong vòng gần 2 tuần, Triều Tiên có thể muốn gây áp lực với Mỹ và đồng minh của Washington trong lúc đàm phán hạt nhân vẫn bế tắc.

Triều Tiên phóng 2 tên lửa dẫn đường chiến thuật vào ngày 17-1. Ảnh: KCNA/Yonhap
Triều Tiên phóng 2 tên lửa dẫn đường chiến thuật vào ngày 17-1. Ảnh: KCNA/Yonhap

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 18-1 cho biết, 2 tên lửa dẫn đường chiến thuật được phóng đi từ khu vực miền tây Triều Tiên đã đánh trúng một mục tiêu trên đảo ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Theo hãng tin này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không giám sát lần phóng này.

Đây là vụ thử vũ thử tên lửa thứ tư của Triều Tiên trong năm mới 2022. Song, với phản ứng được cho là chưa đủ mạnh của Mỹ (áp đặt trừng phạt 5 cá nhân Triều Tiên), chính phủ của Tổng thống Joe Biden dường như không mấy quan tâm động thái của Bình Nhưỡng trong lúc tập trung ứng phó với các đối thủ lớn hơn như Trung Quốc và Nga.

Gây sức ép trước khi đàm phán

Theo AP, 2 tên lửa nói trên được phóng vào ngày 17-1 ở gần thủ đô Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên và Trung Quốc vừa nối lại hoạt động vận tải đường sắt, vốn phải ngừng khoảng 2 năm sau do Triều Tiên đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19.

Các nhà quan sát cho rằng, Triều Tiên có thể tiếp tục phô diễn vũ khí của nước này trong những tuần tới bằng việc phóng các tên lửa tầm ngắn, nhưng cũng có thể không có động thái gì trước thềm khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 2. Nhà phân tích Du Hyeogn Cha tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định: Khi Thế vận hội kết thúc, Triều Tiên sẽ có động thái mạnh mẽ hơn nữa, chẳng hạn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ngừng thử hạt nhân và ICBM từ năm 2018 trong lúc tiến hành các cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Song, đàm phán bế tắc kể từ năm 2019, khi Mỹ bác bỏ yêu cầu của Triều Tiên về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ một phần khả năng hạt nhân.

Các chuyên gia cũng nhận định, các vụ phóng tên lửa liên tiếp là hành động bất thường cho thấy Triều Tiên đang sử dụng chiến thuật đã dùng trước đây nhằm gây sức ép với Mỹ và các nước láng giềng trước khi đưa ra đề nghị đàm phán.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên gia tăng các vụ thử tên lửa tầm ngắn, vốn được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực. Các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng có thể cho rằng cần tiến hành các vụ thử “khiêu khích hơn” để ngồi vào bàn đối thoại với chính phủ của Tổng thống Biden. Nhà Trắng đề nghị nối lại đàm phán nhưng không có dấu hiệu nào sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt, mà lại muốn ông Kim Jong-un trước hết phải có các bước đi thực sự trong việc ngừng chương trình vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên có thể thử hạt nhân?

Nhà phân tích Du Hyeogn Cha cho rằng, chưa rõ những vụ thử hạt nhân hoặc ICBM có dẫn đến sự thỏa hiệp của Mỹ hay không. Trong lúc đó, theo chuyên gia Nam Sung-wook về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Korea ở Seoul, Triều Tiên có thể sẽ thử hạt nhân thay vì thử ICBM nhằm tạo sự chấn động lớn hơn. Quốc gia này có thể sử dụng vụ thử đó để tuyên bố họ đã có khả năng sản xuất một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp trên tên lửa siêu thanh mà họ thử nghiệm lần đầu vào tháng 9-2021.

Cũng theo chuyên gia Nam Sung-wook, Triều Tiên sẽ chọn thời gian để cuộc thử nghiệm phát huy tối đa tác dụng chính trị, chẳng hạn như thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3 và cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng của Mỹ vào tháng 11 tới. Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử thiết bị hạt nhân lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng vào tháng 9-2017.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Triều Tiên và các bên liên quan tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản đang theo đuổi nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và trở lại bàn đàm phán. Song, Triều Tiên muốn Mỹ trước hết cần từ bỏ chính sách thù địch, tức là dỡ bỏ trừng phạt với Bình Nhưỡng cũng như ngừng các cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.