Sau khi Mỹ cùng các đồng minh ra tuyên bố chung lên án việc Triều Tiên thử một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng một vật thể bay nghi là tên lửa.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh tại một điểm không xác định ngày 5-1. Ảnh: KCNA/Reuters |
Hãng thông tấn AP cho biết, vật thể được phóng vào sáng 11-1 rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) xác định vật thể được phóng từ tỉnh Jagang, khu vực miền Bắc của Triều Tiên, đã bay hơn 700km, đạt độ cao 60km, với vận tốc Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh). Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều cho rằng, vật thể bay này là một tên lửa đạn đạo và được cải tiến hơn nhiều so với tên lửa phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh hôm 5-1.
Đây là vụ phóng thứ hai của Triều Tiên trong những ngày đầu năm 2022. Động thái này diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Theo Reuters, với 2 vụ phóng liên tiếp trong những ngày đầu năm mới, Triều Tiên muốn nhấn mạnh cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc hỗ trợ quân đội đối phó với tình hình quốc tế bất ổn trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ bị đình trệ.
Ngày 10-1, Phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cùng 5 nước đồng minh (Pháp, Ireland, Nhật Bản, Anh và Albania) ra tuyên bố chung lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh hồi tuần trước. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng, hành động của Bình Nhưỡng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định của khu vực.
Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, như tuyên bố chung của 6 nước nói trên. Các đại diện của 6 quốc gia này còn nhấn mạnh: Lựa chọn đối thoại và hòa bình thay vì chương trình vũ khí bất hợp pháp và đe dọa là tùy thuộc vào Triều Tiên.
Theo CBS News, đối với vụ phóng ngày 11-1, nhiều khả năng Triều Tiên đã lên kế hoạch cho một động thái như thế trong thời điểm diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói rằng, việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa là “vô cùng đáng tiếc”. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ quan ngại về việc tái diễn các vụ phóng của Triều Tiên trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 3.
Đối với vụ phóng hôm 5-1, Hàn Quốc nhận định, vật thể bay chỉ là một tên lửa đạn đạo thông thường, chứ không phải một tên lửa siêu vượt âm. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn hoài nghi Bình Nhưỡng “thổi phồng” về tầm bắn hay tính năng “bay theo phương ngang” của tên lửa đó. Vì vậy, theo nhà phân tích cấp cao Cheong Seong-Chang tại Viện Sejong (Hàn Quốc), đánh giá của Seoul chắc hẳn đã làm giới lãnh đạo Triều Tiên tức giận và có thể lên kế hoạch tiến hành hàng loạt vụ thử nhằm thúc đẩy mối đe dọa của Bình Nhưỡng.
Hầu hết các nhà quan sát không khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Trong lúc đó, Triều Tiên vẫn tuyên bố các vụ thử tên lửa cũng như những hoạt động quân sự khác của họ chỉ nhằm mục đích tự vệ và giống như các cuộc thử nghiệm thường xuyên của những quốc gia khác.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang thúc đẩy tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và tái khởi động đối thoại với Bình Nhưỡng. Ông Moon Jae-in cam kết dành những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống để tạo đột phá ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên muốn Mỹ và các nước khác trước hết từ bỏ “các chính sách thù địch” nhằm vào Bình Nhưỡng. Vì vậy, trong lúc tiến trình ngoại giao chưa được tái khởi động, các vụ phóng của Bình Nhưỡng có thể làm chệch hướng những nỗ lực của lãnh đạo Nhà Xanh trong việc đưa các bên ngồi vào bàn đối thoại “có ý nghĩa” nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa.
BÌNH YÊN