IS rục rịch chọn thủ lĩnh mới

.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể chọn một chiến binh Iraq kỳ cựu làm thủ lĩnh mới nhằm thay thế Abu Ibrahim al-Quraishi, người đã bị Mỹ tiêu diệt trong chiến dịch hồi đầu tháng 2 ở Syria.

Những ngôi nhà bị phá hủy trong làn sóng tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thị trấn Sinjar thuộc Iraq ngày 24-1-2022. Ảnh: Reuters
Những ngôi nhà bị phá hủy trong làn sóng tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thị trấn Sinjar thuộc Iraq ngày 24-1-2022. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia về an ninh của Iraq Fadhil Abu Rgheef cho biết, có ít nhất 4 ứng viên thay thế Abu Ibrahim al-Quraishi, bao gồm: Abu Khadija, cựu thủ lĩnh IS ở Iraq; Abu Muslim, thủ lĩnh IS ở tỉnh Anbar của Iraq; Abu Salih, có mối quan hệ thân thiết với al-Quraishi; và Abu Yassir al-Issawi, nhân vật được cho là có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trước đó, Issawi bị nghi đã chết trong một cuộc không kích vào tháng 1-2021, nhưng một quan chức Iraq nói rằng tên này nhiều khả năng còn sống.

Hai quan chức an ninh Iraq và 3 nhà phân tích độc lập nhận định, thủ lĩnh kế tiếp của IS có thể là một chiến binh Iraq kỳ cựu, một nhân vật thân cận với các phần tử khủng bố IS ở quốc gia vùng Vịnh này. Hassan Hassan, biên tập viên tạp chí New Line vốn nghiên cứu về al-Quraishi, cũng nói rằng thủ lĩnh mới của IS sẽ là một kẻ thánh chiến cực đoan từng hoạt động tại Iraq.

Cái chết của al-Quraishi (45 tuổi), kẻ cho nổ tung chính mình trong chiến dịch đột kích của Mỹ ở Syria hôm 2-2, được xem là một đòn giáng mạnh vào IS, sau khi cựu thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi cũng bị tiêu diệt trong một chiến dịch tượng tự của lực lượng đặc nhiệm Mỹ hồi năm 2019. Hành tung của al-Quraishi vốn rất bí ẩn nên tránh được các cuộc săn lùng do Mỹ dẫn đầu suốt thời gian dài. Người thay thế y có thể được chọn trong những tuần tới khi IS vẫn tiếp tục nổi dậy ở Trung Đông và có thể tiến hành thêm nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Syria trong năm 2022.

Theo Reuters, tiền thân của IS là nhóm al-Qaeda ở Iraq, một nhánh của al-Qaeda toàn cầu do trùm khủng bố Osama bin Laden lãnh đạo. Khác với các nhóm khủng bố cực đoan khác, IS tự lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014, đồng thời tuyên bố chủ quyền với tất cả các vùng đất và dân tộc Hồi giáo. Al-Quraishi và cựu thủ lĩnh al-Baghdadi đều từng là thành viên của al-Qaeda ở Iraq; cả hai cũng bị Mỹ bắt giam vào những năm 2000.

IS từng kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Iraq và Syria, nhưng bị quân đội chính phủ Syria cùng đồng minh Nga, Iran cùng các lực lượng đối lập do Mỹ bảo trợ đẩy lùi và giành lại các vùng lãnh thổ này. Cuối năm 2019, IS chỉ còn kiểm soát một vài vùng đất ở Syria.

Đến năm 2020, thông qua các nguồn tin tình báo, giới chức Mỹ nhận định: IS - dưới sự chỉ huy của al-Quraishi - đang trỗi dậy sau khi số lượng các vụ tấn công tăng vọt.

Các vụ tấn công gần đây ở Iraq và Syria cho thấy chiến lược hồi sinh của IS mạnh mẽ và có khả năng tiến xa. Tuy nhiên, các quan chức và các nhà quan sát cũng cho rằng, IS đang gặp nhiều thách thức và sẽ không bao giờ khôi phục được cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Nhìn chung, các nhà phân tích có nhiều ý kiến khác nhau về một IS thời hậu al-Quraishi. Theo nhận định, IS vẫn là một mối đe dọa. Tình trạng bất ổn ở cả Iraq lẫn Syria cho thấy không thể loại trừ sự trỗi dậy của IS trong vùng lõi này. “Ở Syria, các phần tử IS hoạt động tản mát nhằm tránh trở thành mục tiêu. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, cái chết của al-Quraishi sẽ không có tác động to lớn”, Reuters dẫn lời một trong những quan chức an ninh Iraq nói.

Thống kê của Liên Hợp Quốc cuối năm ngoái còn cho hay, vẫn có tới 10.000 chiến binh IS trên khắp Iraq và Syria, cùng với sự hiện diện ngày càng gia tăng ở Afghanistan và châu Phi. Hơn nữa, đường biên giới dài 600km giữa Iraq và Syria được xem là thách thức với lực lượng chống khủng bố, khi các phần tử cực đoan có thể di chuyển dễ dàng bằng hệ thống hầm ngầm.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.