Quốc tế
Châu Á đối mặt với nỗi lo lạm phát
Sự xáo trộn trên thị trường, mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt và khả năng gián đoạn nguồn cung do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang khiến giá năng lượng và nhiều mặt hàng tiêu dùng không ngừng tăng vọt, kích thích tình trạng lạm phát trên thế giới. Châu Á cũng không là ngoại lệ.
Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Á. Ảnh: Reuters |
Với việc các đồng tiền châu Á suy yếu so với đồng USD và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất lên cao, châu Á - động lực tăng trưởng tiêu dùng của thế giới - phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt.
Hãng tin Nikkei Asia cho biết, chi phí hàng hóa vốn gia tăng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Song, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á giờ đây phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trước tác động của các diễn biến địa chính trị khó lường, tình hình Covid-19 phức tạp và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Giáo sư kinh tế Kenta Goto tại Đại học Kansai (Osaka, Nhật Bản), cho biết: “Chi phí sinh hoạt tăng, cùng với việc đồng tiền châu Á suy yếu trong khi Mỹ tăng lãi suất có thể kìm hãm bước tiến của nền kinh tế khu vực. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm sút, sức mua của châu Á sẽ bị ảnh hưởng”.
Một số công ty đã rục rịch tăng giá sản phẩm và dịch vụ. Hãng điều hành taxi lớn nhất Singapore ComfortDelGro trong tháng này tăng giá cước lần đầu tiên trong một thập kỷ, với lý do giá nhiên liệu tăng 10%. Thai President Foods, nhà sản xuất mỳ ăn liền lớn nhất Thái Lan cũng đã tăng giá bán lẻ thêm 9%/gói mỳ - vốn là loại thực phẩm có giá cả phải chăng và được tiêu dùng rộng rãi.
Theo Reuters, chỉ số giá tiêu dùng không ngừng leo thang trong thời gian gần đây. Tháng 2 vừa qua, lạm phát ở Thái Lan tăng 5,28% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 13 năm qua. Cũng trong tháng 2, lạm phát bán buôn của Nhật Bản lên mức 9,3%, cao nhất trong 41 năm gần đây, trong khi lạm phát tiêu dùng cũng dự kiến sẽ tăng trên mức 2% sau tháng 4 tới. Kết quả khảo sát do Ngân hàng Trung ương Singapore tiến hành hồi tháng 2 vừa qua cho thấy, khoảng 94% các nhà kinh tế khu vực tư nhân ở nước này cho rằng lạm phát là “rủi ro hàng đầu” đối với nền kinh tế, tăng từ mức 56% trong một cuộc thăm dò vào tháng 12.
Xung đột Nga-Ukraine cũng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực dài hạn và giá cả trong tương lai. Nga là nước xuất khẩu lớn các loại phân bón như kali và amoni nitrat, trong khi Ukraine là nhà cung cấp ngô và lúa mỳ. Ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản, cảnh báo, sự gián đoạn nguồn cung phân bón có thể đe dọa sản xuất lúa gạo và dẫn đến tình trạng bất ổn. Ông nhấn mạnh, lương thực là yếu tố ổn định xã hội. Điều đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các nước đang phát triển là bảo đảm giá mặt hàng này vẫn ổn định.
Một số nhà kinh tế nhận định, châu Á vẫn chưa phải đối mặt với khủng hoảng, song không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Ông Kensuke Tanaka, phụ trách các vấn đề châu Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cảnh báo:“Tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn. Chúng ta đang trải qua sự bất ổn lớn”. Trong khi đó, ông Irfan Qureshi, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được. Ông khẳng định: “Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của nước họ một cách chặt chẽ, bởi lạm phát cao và kéo dài sẽ tác động nặng nề nhất đến người nghèo và do đó tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội”.
Tờ Bloomberg dẫn lời Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Changyong Rhee cho rằng, nếu giá dầu và chi phí sản xuất tiếp tục tăng thì giá hàng hóa bán lẻ cũng không thể tránh khỏi đi lên. Trong giai đoạn đó, châu Á có thể xuất khẩu lạm phát ra thế giới, nhưng hiện châu Á vẫn chưa đến giai đoạn đó. Ông Changyong Rhee nhận định lạm phát đang tăng nhanh hơn dự kiến, đồng thời cho biết IMF dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh ở châu Á vào nửa cuối năm nay.
PHONG LAN - THƯ LÊ