Nga - Ukraine đàm phán vòng hai: Cơ hội mở lối giải quyết xung đột

.

Vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine diễn ra vào tối 3-3 được kỳ vọng là cơ hội mở lối cho xung đột trong lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 8.

Một gia đình Ukraine đến khu vực biên giới ở Medyka, Ba Lan ngày 2-3. Ảnh: AP
Một gia đình Ukraine đến khu vực biên giới ở Medyka, Ba Lan ngày 2-3. Ảnh: AP

Đàm phán diễn ra ở Belovezhskaya Pushcha, biên giới Belarus - Ba Lan. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Vladimir Medinsky, Trưởng đoàn đàm phán Nga tuyên bố, các vấn đề liên quan đến ngừng bắn và nhu cầu mở hành lang nhân đạo được thảo luận tại vòng đàm phán này. Phát biểu với báo giới, ông Medinsky nói rằng, Nga và Ukraine đã có một số điểm chung từ vòng đàm phán hôm 28-2 mặc dù đối thoại vòng đầu tiên không mang lại kết quả cụ thể nào.

Nhiều nước kêu gọi ngừng bắn, lập hành lang nhân đạo

Trả lời báo giới ở Moscow ngày 3-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ tin tưởng các bên sẽ tìm kiếm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời lưu ý những yêu cầu mà phía Nga đưa ra là “tối thiểu”. Ông Lavrov cho biết thêm, Nga sẽ không cho phép Ukraine tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bộ Ngoại giao Nga còn cho rằng, tình hình hiện nay ở Ukraine là do phương Tây đã không xem xét các lo ngại an ninh của Moscow một cách nghiêm túc.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 8. Lực lượng Nga đã kiểm soát thành phố lớn Kherson ở miền nam và thành phố Balakliya ở miền đông Ukraine; đồng thời bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov - thành phố lớn thứ hai của nước này.

Theo AFP, Ngoại trưởng Pháp Le Drian kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn, lấy đó làm tiền đề để Nga và Ukraine đàm phán. Mỹ cũng yêu cầu các bên ngừng bắn để đàm phán và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine phòng thủ. Trong cuộc họp báo ngày 2-3 (giờ Washington), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thúc giục Nga rút quân khỏi Ukraine, tạo tiền đề cho các giải pháp ngoại giao. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cũng kêu gọi lệnh ngừng bắn tại Ukraine và thiết lập hành lang nhân đạo.

Đáng chú ý, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên LHQ. Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc thực thi nhưng có sức mạnh mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột.

1 triệu người đã rời Ukraine

Hãng tin AFP dẫn báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong 7 ngày qua, 1 triệu người tị nạn từ Ukraine đã đến các nước láng giềng, dự báo con số này có thể tăng lên khoảng 4 triệu trong thời gian tới.

Theo thống kê mới nhất của UNHCR, hơn một nửa số người tị nạn từ Ukraine đã đến nước láng giềng Ba Lan, 116.000 người đến Hungary, 79.000 người đến Moldova và 71.200 đến Slovakia. Người phát ngôn của UNHCR Shabia Mantoo cho biết, Ukraine có thể trở thành nơi xuất phát của “cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế kỷ này”.

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất chương trình bảo vệ tạm thời cho những người tị nạn Ukraine, bao gồm việc cấp giấy phép cư trú, tiếp cận việc làm và phúc lợi xã hội tại các nước thuộc EU. Nếu được thông qua, chương trình này sẽ ngay lập tức được áp dụng cho những người tị nạn Ukraine trong 1 năm và có thể kéo dài tới 3 năm. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng tuyên bố sẵn sàng đón nhận người tị nạn Ukraine vào “thời điểm cấp bách hiện tại”.

ASEAN: Vẫn có chỗ cho đối thoại hòa bình
Theo CNN, các Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 3-3 kêu gọi chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “vẫn có chỗ cho cuộc đối thoại hòa bình”. Trong tuyên bố, ASEAN khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, bằng mọi cách thức có thể, cho đối thoại hòa bình.

PHÚC NGUYÊN - THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.