Quốc tế
Ukraine yêu cầu Nga ngừng bắn và rút quân
Ukraine yêu cầu Nga “ngừng bắn ngay lập tức và rút quân” khi phái đoàn nước này ngồi vào bàn đàm phán với đại diện Nga tại biên giới Ukraine - Belarus chiều 28-2 (giờ địa phương).
Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky (trái) và người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky đến tham gia đàm phán. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn TASS cho biết, cuộc đàm phán bắt đầu muộn hơn vài giờ so với kế hoạch. Địa điểm cụ thể diễn ra đàm phán không được tiết lộ vì lý do an ninh trong bối cảnh các cuộc giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hy vọng một thỏa thuận phù hợp với lợi ích của hai bên
Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei chào đón hai phái đoàn và nói rằng, họ nên cảm thấy “hoàn toàn an toàn”. Phái đoàn Ukraine gồm các quan chức cấp cao nhưng không có sự hiện diện của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Kiev đã yêu cầu Moscow “ngừng bắn ngay lập tức và rút quân”. Phía Kiev cũng tuyên bố, đàm phán diễn ra mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Về phía Nga, phát biểu với báo giới trước khi đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán Vladimir Medinsky - cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin kiêm cựu Bộ trưởng Văn hóa cho biết, Moscow mong muốn “đạt được một thỏa thuận nào đó” với Ukraine càng sớm càng tốt và tất nhiên phải phù hợp với lợi ích của hai bên.
Trong khi đó, theo Interfax, lực lượng Nga đã kiểm soát 2 thành phố nhỏ Berdyansk và Enerhodar ở vùng Zaporizhzhya, đông nam Ukraine và khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Tuy nhiên, phía Ukraine phủ nhận việc Nga kiểm soát nhà máy hạt nhân lớn nhất ở châu Âu này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cũng tuyên bố quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine, đồng thời cho hay người dân Ukraine có thể rời khỏi thủ đô Kiev dọc theo đường cao tốc Kyev-Vasylki.
Ukraine muốn sớm gia nhập EU
Cũng trong ngày 28-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức trao tư cách thành viên của khối cho nước này. Ông nhấn mạnh mục tiêu của Kiev là gia nhập EU và có quan hệ bình đẳng với các nước trong khối. Theo ông, điều này hoàn toàn công bằng và khả thi.
Phát biểu của Tổng thống Ukraine được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ việc Kiev trở thành thành viên của khối. Trả lời phỏng vấn hãng tin Euronews, bà Ursula von der Leyen nói: “Ukraine thuộc về chúng tôi. Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn Ukraine gia nhập khối”. Khả năng Ukraine gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong các nguyên nhân khiến Nga lo ngại về an ninh.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, 27 thành viên EU đã quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine trị giá 450 triệu euro (507 triệu USD). Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky. Nhà lãnh đạo NATO cho biết, liên minh quân sự 30 thành viên sẽ tăng cường cung cấp tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng cũng như viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này.
Các nước đóng cửa không phận với Nga
Theo các quy định mới được công bố của EU ngày 28-2, khối này cấm các giao dịch liên quan việc quản lý tài sản và dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời đóng cửa không phận đối với tất cả các máy bay Nga. Văn bản nêu rõ: “Bất kỳ máy bay nào do các hãng hàng không Nga vận hành… cũng sẽ bị cấm hạ cánh, cất cánh từ lãnh thổ của EU hoặc bay qua lãnh thổ của EU”. Song, sẽ có ngoại lệ cho các trường hợp hạ cánh khẩn cấp hoặc các tình huống khẩn cấp mà máy bay Nga cần bay qua lãnh thổ EU.
Đối với Ngân hàng Trung ương Nga, các giao dịch liên quan đến quản lý các khoản dự trữ cũng như tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, bao gồm các giao dịch đối với bất kỳ cá nhân, thực thể, cơ quan nào theo ủy quyền hoặc chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương Nga, đều bị cấm.
Trước khi EU nhất trí đóng cửa không phận với Nga, các nước như Anh, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Slovenia, Romania, Áo, Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha và sau đó là các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland cũng từ chối các máy bay Nga. Lệnh cấm máy bay Nga trong toàn khu vực EU sẽ cắt đứt Nga khỏi tuyến đường hàng không dễ di chuyển nhất về phía tây, trong khi các biện pháp trả đũa do Moscow ban hành có thể khiến các hãng hàng không châu Âu gặp khó khăn hơn trong đường bay về phía đông, đặc biệt là tới châu Á.
PHÚC NGUYÊN