Quốc tế
Ấn Độ xích lại gần EU
Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ thống nhất thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ chung nhằm thúc đẩy hợp tác trong lúc Brussels muốn New Delhi giảm phụ thuộc Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi. Ảnh: EPA |
Theo Reuters, chuyến thăm Ấn Độ trong hai ngày 25 và 26-4 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đánh dấu nỗ lực của phương Tây trong việc khuyến khích New Delhi giảm phụ thuộc Nga, nhà cung cấp vũ khí chính cho quốc gia Nam Á này, sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong cuộc gặp gỡ giữa bà Ursula von der Leyen với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở thủ đô New Delhi ngày 25-4, hai bên đã thống nhất thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ chung. Trong số các đồng minh thân thiết của EU, chỉ có Mỹ được Brussels đề nghị thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ chung vào năm ngoái, Ấn Độ là quốc gia thứ hai có hội đồng này. Điều đó cho thấy EU coi trọng vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong sân chơi thương mại và công nghệ toàn cầu.
“Tôi nghĩ mối quan hệ này hiện quan trọng hơn bao giờ hết”, Reuters dẫn lời bà Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Narendra Modi. “Chúng ta có nhiều điểm chung nhưng chúng ta cũng đang đối mặt với bối cảnh chính trị đầy thách thức”, lãnh đạo EC nói thêm, đồng thời khẳng định: “EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ, nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn thế”.
Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh việc hợp tác an ninh, chống biến đổi khí hậu và thương mại giữa EU và Ấn Độ. Hội đồng Thương mại và Công nghệ chung là cơ chế cho phép hai bên thúc đẩy các hợp tác sâu rộng mang tính chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Hội đồng chung này sẽ đẩy nhanh hơn các thảo luận giữa EU và Ấn Độ về việc ký kết một hiệp định thương mại tự do toàn diện; mở đường để hai bên hợp tác chặt chẽ hơn trong công nghệ, trao đổi công nghệ quốc phòng, trao đổi kinh nghiệm quản trị vấn đề bảo mật trên các nền tảng công nghệ số…
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Ấn Độ giữ quan điểm trung lập, kêu gọi Moscow và Kiev đàm phán để chấm dứt xung đột, đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Cũng như nhiều nước châu Âu, Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu giá rẻ của Nga và được cho là đã mua 15 triệu thùng dầu của Moscow trong năm nay.
Hơn nữa, New Delhi còn phụ thuộc sâu sắc vào thiết bị quân sự Nga. Năm 2018, Ấn Độ ký thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD với Nga để mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400, bất chấp nguy cơ bị Washington trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua lệnh cấm vận (CAATSA).
Các nhà quan sát cho rằng, Ấn Độ xích lại gần EU nhưng chưa hẳn ngả về phương Tây hoàn toàn và quốc gia Nam Á này khó thay đổi cách tiếp cận với Nga. Xét cho cùng, New Delhi muốn gia tăng vị thế của mình và cân bằng những lợi ích chiến lược trong các mối quan hệ với Mỹ, EU và Nga. Tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi cũng tiếp người đồng cấp Anh Boris Johnson và công bố mối quan hệ quốc phòng - an ninh mới giữa hai nước. Một điều đáng lưu ý nữa là Ấn Độ quan tâm các cam kết và việc thực hiện các cam kết của EU đối với hòa bình, ổn định và tôn trọng pháp luật tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về phía EU, liên minh này đặt mục tiêu giảm 2/3 mức độ phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay, tiến tới chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào cuối năm 2027. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính của EU trong năm 2021, với khoảng 45% lượng khí đốt được nhập khẩu từ Moscow. Đầu tháng 4, bà Ursula von der Leyen cũng nói rằng, EC sẽ đưa ra kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than của Nga vào trung tuần tháng 5 tới.
PHÚC NGUYÊN