Quốc tế
Thế giới bàn chiến lược kiểm soát Covid-19
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ hai về Covid-19 sẽ diễn ra ngày 12-5 theo hình thức trực tuyến nhằm nỗ lực chấm dứt giai đoạn nguy cấp của đại dịch và chuẩn bị cho các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai.
Người dân đeo khẩu trang khi đi trên xe buýt trong giờ cao điểm ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sáng 18-4. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, cuộc gặp lần thứ hai về Covid-19 của các nhà lãnh đạo toàn cầu diễn ra trong bối cảnh đại dịch kéo dài hơn 2 năm đã làm 505,2 triệu người mắc bệnh và 6,2 triệu người tử vong. Sự kiện lần này sẽ do Mỹ chủ trì cùng Đức - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7). Các quốc gia khác đồng chủ trì hội nghị bao gồm: Indonesia - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Senegal - nước giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi và Belize - nước giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Caribe (CARICOM).
Trong tuyên bố ngày 18-4, Nhà Trắng cho hay, hội nghị thượng đỉnh Covid-19 lần hai sẽ xây dựng chính sách cụ thể dựa trên những nỗ lực và cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần đầu tiên vào tháng 9-2021, nhằm chấm dứt giai đoạn nguy cấp của đại dịch và chuẩn bị cho các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai. Theo đó, các giải pháp có thể bao gồm: thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng; hỗ trợ những địa phương có nguy cơ dịch bệnh tiếp cận xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19; mở rộng các biện pháp bảo vệ nhân viên chăm sóc sức khỏe và tổng hợp nguồn lực tài chính để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ đại dịch trong tương lai…
Khi chủ trì hội nghị lần thứ nhất vào tháng 9-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi nỗ lực để thúc đẩy tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, với mục tiêu là mọi quốc gia tiêm cho 70% dân số vào tháng 9-2022. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn cầu đã giảm nhưng các biến thể của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện và lây lan khiến nhiều nước chưa thể gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế. Nhà Trắng muốn thế giới đưa ra các cam kết mới, tìm giải pháp cho việc tiêm chủng và thúc đẩy an ninh y tế. “Các biến thể mới xuất hiện và lây lan, như Omircon, càng cho thấy cần một có chiến lược nhằm kiểm soát Covid-19 trên toàn cầu”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Nhiều nước đã chuyển hướng tiếp cận đại dịch, xác định đây là bệnh đặc hữu và dần đưa ra các biện pháp để sống chung với dịch bệnh này giống như các loại bệnh khác như sởi, cúm...
Tính đến tháng 3-2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 75 quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ít hơn 40% dân số và 21 quốc gia tiêm chưa đến 10% dân số. Mới đây, WHO cũng khuyến cáo Covid-19 vẫn được xem là trường hợp khẩn cấp và chưa đến lúc xem là bệnh đặc hữu. Các chuyên gia WHO cho rằng, số ca tử vong thực tế do Covid-19 tính đến cuối năm 2021 có thể lên đến 15 triệu ca, tức gấp đôi con số khoảng hơn 6 triệu ca được báo cáo chính thức và cơ quan y tế toàn cầu này đang nỗ lực xác định chính xác số ca tử vong.
Sau cảnh báo của WHO, Ấn Độ hôm 18-4 thông báo số ca mắc Covid-19 hằng ngày tăng gần gấp đôi, lên mức 2.183 ca, lần đầu tiên trong tháng này.
Tại Trung Quốc, Thượng Hải ghi nhận 3 trường hợp tử vong hôm 17-4, cả ba người trong độ tuổi 89-91 và đều có bệnh nền. Đây là những ca tử vong đầu tiên sau nhiều tuần thành phố này phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Thượng Hải cũng ghi nhận 20.000 ca nhiễm mới trong ngày 19-4, hầu hết không có triệu chứng. Trước đó, lần cuối cùng Trung Quốc thông báo các trường hợp tử vong do Covid-19 là vào ngày 19-3, với 2 ca ở tỉnh Cát Lâm.
BÌNH YÊN