Quốc tế
Bầu cử Tổng thống Pháp tác động đến cuộc xung đột ở Ukraine
Thủ đô Paris cách chiến trường ở đông Ukraine hàng ngàn dặm, nhưng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra trong tháng 4 này được cho là có thể tác động đến chiến sự ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.
Bà Marine Le Pen (bên trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 24-3-2017. Thời điểm đó, bà Le Pen cũng là ứng cử viên Tổng thống Pháp. Ảnh: AP |
Cử tri Pháp hiện không quan tâm lắm đến xung đột ở Ukraine so với giá xăng dầu, trợ cấp của chính phủ… Song, Liên minh châu Âu (EU) không khỏi lo lắng bởi lá phiếu của cử tri Pháp vào ngày 24-4 sẽ quyết định quốc gia này thân EU hay xích lại gần Nga.
Hãng tin AP cho biết, chính phủ của Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron đã gửi vũ khí trị giá 10 triệu euro đến Ukraine trong những tuần gần đây và sẽ gửi nhiều hơn như một phần nỗ lực viên trợ quân sự của phương Tây đối với Kiev. Pháp là nguồn hỗ trợ quân sự chính cho Ukraine kể từ năm 2014, thời điểm bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và lực lượng ly khai nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Trong khi đó, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có mối quan hệ thân thiết với Nga. Chiến dịch tranh cử của bà tập trung khai thác về sự thất vọng của cử tri đối với tỷ lệ lạm phát và giá nhiên liệu gia tăng, vốn được cho là chịu tác động từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow - nhà cung cấp khí đốt lớn và đối tác thương mại của Pháp cũng như châu Âu. Nếu trở thành Tổng thống Pháp, bà Le Pen sẽ nỗ lực ngăn cản các lệnh trừng phạt bổ sung của EU nhằm vào Nga.
Pháp hiện là nền kinh tế lớn thứ hai của EU (sau Đức) và có tiếng nói then chốt trong các quyết định của Brussels. Pháp cũng đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Vì vậy, nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia này có sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khối gồm 27 thành viên.
Theo AP, từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2, Tổng thống Macron đã nhiều lần có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Vladimir Putin. Trước đó, ông Macron đến Nga và Ukraine nhằm thuyết phục Tổng thống Putin giảm căng thẳng với láng giềng. Mặc dù nhà lãnh đạo Điện Élysée đã tay không rời Moscow và Kiev, các cuộc điện đàm sau đó cũng không mang lại kết quả khả quan, nhưng cũng giúp ông khẳng định vai trò “đầu tàu”, nhất là sau khi bà Angela Merkel kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng Đức. Hơn nữa, theo các nhà quan sát, chính những nỗ lực ngoại giao đã làm nên sự khác biệt giữa ông Macron với đối thủ Le Pen.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Macron đã kết nối với người đồng cấp Putin, mời nhà lãnh đạo Điện Kremlin đến Versailles và khu nghỉ dưỡng của ông ở Địa Trung Hải nhằm thúc đẩy các chính sách của Nga phù hợp hơn với phương Tây.
Còn bà Le Pen không những có quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin từ nhiều năm qua, mà đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National - RN) của bà còn là thân chủ của một ngân hàng Nga. Ngày 13-4, bà nói rằng, phương Tây nên nỗ lực khôi phục quan hệ với Moscow sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc. Bà Le Pen đề xuất “mối quan hệ hợp tác chiến lược” giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga để ngăn chặn Moscow liên minh quá chặt chẽ với Trung Quốc.
Các nhà quan sát nhận định, có thể thấy rõ sự khác biệt trong quan điểm của ông Macron và bà Le Pen. Trong khi người đứng đầu Điện Élysée bảo vệ EU và gần đây đã đưa Pháp tham gia các hoạt động của NATO ở Đông Âu, thì bà Le Pen cho rằng Paris nên giữ khoảng cách với các liên minh quốc tế và đi theo con đường riêng mình.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Macron và bà Le Pen tiếp tục diễn ra sôi nổi với các cam kết nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Cuộc bầu cử vòng 2 đang đến gần và EU đang hồi hộp chờ đợi kết quả bỏ phiếu ở nền kinh tế lớn thứ hai của khối, nơi có 68 triệu dân.
Theo AFP, thăm dò mới nhất tại Pháp cho thấy, Tổng thống Emmanuel Macron được dự đoán sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra vào ngày 24-4 với 55% số phiếu ủng hộ, so với 45% dành cho bà Marine Le Pen. |
VĨNH AN