Quốc tế
Thế giới tuần qua: Khủng hoảng Ukraine 'giáng đòn' kinh tế; Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu
Căng thẳng Nga-Ukraine ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, là hai vấn đề quốc tế nổi bật tuần qua.
Binh sĩ Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, ngày 25-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Xung đột Nga-Ukraine giáng đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới
Xung đột Nga-Ukraine có thể làm giảm 50% tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2022, từ đó đẩy lùi tăng trưởng GDP của thế giới.
Theo tờ Business Standard, nhận định này do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra trong phân tích đầu tiên về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine với đối nền kinh tế. Theo đó, dựa trên mô hình mô phỏng kinh tế toàn cầu, WTO dự báo căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP giảm từ 0,7%-1,3% xuống còn 3,1%-3,75% trong năm 2022.
Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm gần một nửa, từ 4,7% vào tháng 10-2021 xuống còn khoảng 2,4-3% trong năm nay. Về dài hạn, xung đột tại Ukraine có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 5% do tác động hạn chế cạnh tranh và kìm hãm đổi mới.
WTO cũng cho biết cuộc xung đột đã đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, đồng thời làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của cả Nga và Ukraine. Cả hai quốc gia này là nhà cung cấp các sản phẩm thiết yếu quan trọng, đặc biệt là lương thực và năng lượng. Moskva và Kiev cung cấp khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 45% sản phẩm hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu vào năm 2019.
Riêng Nga, quốc gia này chiếm đến 9,4% thương mại nhiên liệu thế giới, bao gồm 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Nga cũng là một trong những nhà cung cấp palađi và rhodi toàn cầu. Đây là những nguyên tố quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô. Trong khi đó, sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc đáng kể vào khí neon do Ukraine cung cấp. Sự gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào thời điểm ngành công nghiệp này đang phục hồi sau tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Các dự báo tới nay cho rằng châu Âu, “điểm đến” chính của cả hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine, có thể sẽ phải hứng chịu tác động kinh tế nghiêm trọng nhất. Kinh tế châu Âu có thể giảm gần 9% trong năm 2022, nghiêm trọng hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong đó, GDP của riêng các nước Đông Âu dự kiến giảm 30,7%.
Ảnh: Bloomberg |
Ngoài châu Âu, hậu quả nghiêm trọng sẽ còn lan tới Mỹ Latinh, Caribe, Trung Đông, Trung Á, châu Phi. Theo giới chuyên gia, châu Phi và Trung Đông là những khu vực dễ bị tổn thương nhất, vì họ nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine hoặc Nga. Tổng cộng, 35 quốc gia ở châu Phi nhập khẩu lương thực và 22 quốc gia nhập khẩu phân bón từ Ukraine, Nga hoặc cả hai.
Một số quốc gia ở châu Phi cận Sahara cũng đang phải đối mặt với mối đe doạ tăng giá lên tới 50-85% đối với lúa mì, do tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lô hàng ngũ cốc.
Phân tích của WTO cũng tương tự với quan điểm của của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Về lâu dài, WTO cho rằng xung đột Nga-Ukraine còn khiến nền kinh tế thế giới hình thành các khối riêng biệt, đi ngược lại tiến trình phát triển lâu nay.
Ngày 24-2, Tổng thống Vladimir Putin đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc xung đột đã không ngừng leo thang những ngày qua, khi Nga tuyên bố cân nhắc mọi lựa chọn an ninh, bao gồm vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với tham vọng mở rộng của NATO. Cảnh báo của Moskva được đưa ra khi 2 nước Thụy Điển và Phần Lan đang xem xét khả năng gia nhập liên minh này. Trong khi đó, Mỹ cũng lần đầu tiên cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong gói viện trợ 800 triệu USD trong tuần này.
Ngoài ra, việc tuần dương hạm Moskva của Nga bị chìm trên Biển Đen mới đây được dự báo sẽ có những tác động không nhỏ tới cuộc xung đột.
Theo Reuters, hôm 15-4, Tổng thống Zelensky cho biết khoảng 2.500-3.000 lính Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 10.000 binh sĩ bị thương sau 7 tuần giao tranh với Nga. Tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga thông báo 1.351 binh sĩ nước này đã tử trận tại Ukraine và 3.825 binh sĩ bị thương. Hiện vẫn chưa thể xác minh con số của các bên một cách độc lập.
Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Hôm 13-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu dù số ca tử vong đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Theo đài CNBC, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do Covid-19 giảm là một tín hiệu tốt, song một số quốc gia vẫn đang ghi nhận ca mắc mới tăng đột biến. Ông tuyên bố: “Đây chưa phải lúc để chúng ta hạ thấp cảnh giác, đây là thời điểm cần làm việc chăm chỉ hơn nữa để cứu mạng người”. Ông cũng cho rằng cần tiếp tục đầu tư cho các trang thiết bị, công cụ chống dịch, đồng thời củng cố hệ thống y tế.
Trong khi đó, khả năng giám sát xu hướng dịch bệnh đã giảm sút do nhiều nước tạm dừng xét nghiệm truy vết Covid-19. WHO lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với Covid-19 có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái bùng phát. Tổ chức này kêu gọi tất cả các nước cần giải trình tự ít nhất 5% mẫu virus để theo dõi các đột biến của SARS-CoV-2.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo thế giới vẫn đang ở giữa đại dịch khi virus tiếp tục biến đổi, dễ lây lan hơn và gây nguy cơ tử vong cao ở những người dễ tổn thương, chưa tiêm chủng. Các chuyên gia nhận định Covid-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn.
Ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: Reuters |
Tính đến ngày 16-4, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 503 triệu ca, trong đó có trên 6,21 triệu ca tử vong. Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh, với trên 82 triệu ca mắc và vượt ngưỡng 1 triệu ca tử vong. Sau đó là Ấn Độ, Brazil. Trung Quốc – quốc gia duy nhất trên thế giới còn theo đuổi chiến lược “không COVID”– cũng đang phải đối mặt với làn sóng Omicron nghiêm trọng.
WHO cảnh báo người dân nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông người và trong không gian kín. Giới chức cũng nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. WHO đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo tất cả các quốc gia tiêm vaccine Covid-19 cho 70% dân số cho tới giữa năm nay. Tuy nhiên, tính đến tháng 3 vừa qua, 75 quốc gia vẫn có tỉ lệ tiêm chủng ít hơn 40% dân số và 21 quốc gia chỉ mới tiêm chưa đến 10% dân số.
WHO chính thức coi Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu từ ngày 30-1-2020, khoảng hai tháng sau khi virus xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đến ngày 11-3-2020, WHO mới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Hiện giới chức đang nỗ lực thảo luận để xác định thời điểm có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Theo baotintuc.vn