Đà Nẵng cuối tuần

Làm việc từ xa và những bất ổn

14:23, 16/04/2022 (GMT+7)

Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, xu thế làm việc từ xa dần trở thành nếp mới trong đời sống công sở toàn cầu. Sau khoảng 2 năm thực hiện cách làm việc này, nhiều hệ lụy đã nảy sinh.

Làm việc ở nhà trong mùa dịch. Ảnh: Pbwatersoftening
Làm việc ở nhà trong mùa dịch. Ảnh: Pbwatersoftening

Bắt đầu có những người bày tỏ mong muốn được trở lại công sở làm việc một vài ngày trong tuần thay vì chỉ làm hoàn toàn từ xa. Họ không muốn từ bỏ ngay những tiện lợi được “hưởng” trong làm việc trực tuyến, nhưng cũng phần nào cảm thấy những giờ làm việc từ xa 100% đang bào mòn sức lực nhiều hơn bình thường.

“Ngày ba cao điểm”

Một nghiên cứu mới công bố của Microsoft tiết lộ những thực tế “giật mình” về đời sống công sở trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19. Cuộc sống và công việc chồng lấn lên nhau ở mức độ “phi tiền lệ”: Các cuộc họp mở đầu ngày mới có thể diễn ra bên bàn ăn sáng hay trong quán cà phê, và các buổi tối muộn vẫn tiếp tục miệt mài với phần hồi đáp những email công việc chưa được giải quyết trong ngày.

Thông thường, người ta vẫn nói rằng, trong một ngày làm việc ở công sở truyền thống, có hai khoảng thời gian đạt năng suất tối đa là trước và sau bữa trưa. Tuy nhiên, với mô hình làm việc từ xa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một khoảng nữa, đó là vài tiếng trước khi đi ngủ. Các nhà nghiên cứu của Microsoft nhắc tới hiện tượng này là “ngày ba cao điểm”. 

Bà Mary Czerwinski, chuyên viên thuộc bộ phận nghiên cứu Microsoft Research, cho rằng mọi người đều có xu hướng muốn bù đắp thời gian cho công việc vào buổi tối vì ban ngày họ có thể chia sẻ bớt thời gian làm việc cho việc nhà và con cái.

Nghiên cứu cho thấy nhiều người đang làm việc lúc 22 giờ cũng với hiệu suất tương đương như khi 8 giờ. Dữ liệu của Microsoft tiết lộ trung bình một người dùng ứng dụng Teams đang gửi số tin nhắn tăng 40% vào sau khung giờ làm việc 9-17 giờ truyền thống.

Với nhiều người, phương diện tích cực của điều này chính là người lao động có thể linh hoạt giờ giấc để không những hoàn thành các trách nhiệm khác trong gia đình, mà còn tìm được khung giờ làm việc phù hợp, có cảm hứng hơn với họ. Nhưng “ngày ba cao điểm” như vậy không phải lúc nào cũng tích cực.

Công việc đang trở nên giống với đời sống

Về tổng thể, nghiên cứu của Microsoft chỉ ra đại dịch khiến công việc tăng lên với tất cả mọi người. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, kể từ tháng 3-2020, một ngày làm việc trung bình kéo dài thêm 13%, tương đương khoảng 1 giờ. Số công việc làm ngoài giờ cũng tăng lên gấp đôi. Mọi người cũng làm việc lâu hơn trong ngày vì nhiều lý do. Chẳng hạn, ở nhà, thời gian làm việc luôn bị “rò rỉ” theo nhiều cách như lướt báo, chơi game trong lúc dự cuộc họp trực tuyến và trả lời email công việc khi đang ngồi tại bàn ăn.

Nếu trong môi trường làm việc truyền thống, các ranh giới về không gian địa lý và công nghệ rất rõ ràng: Chúng ta rời nhà tới công sở để làm việc, sau đó trở về nhà, bỏ lại mọi thứ máy móc, tài liệu lại chỗ làm. Thì nay, hầu hết các công việc trí não về cơ bản đều là hoạt động trao đổi, liên lạc, đôi khi chẳng khác gì các hoạt động đời sống thông thường. Nói cách khác, công việc đang trở nên giống với đời sống hơn bao giờ hết.

Quá nhiều cuộc họp

Tạp chí Fortune cuối năm ngoái đã chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều người lao động kiệt sức chính là các cuộc họp. Báo cáo của công ty khởi nghiệp Reclaim cho biết, trong tháng 10-2021, trung bình người lao động mất khoảng 21,5 giờ mỗi tuần cho họp, so với tháng 2-2020 là 14,2 giờ/tuần. Các cuộc họp cũng khiến ngày làm việc dài hơn và chúng thường được tổ chức trên các ứng dụng như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet.

Báo cáo nghiên cứu mới nhất của Microsoft tiếp tục làm rõ thêm việc này. Trong những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, các cuộc họp trực tuyến tăng vọt. Đến cuối năm 2020, số cuộc họp trực tuyến tăng gấp đôi. Năm 2021, các cuộc họp kiểu như thế tiếp tục tăng và số cuộc họp đã vọt lên mức cao nhất trong năm nay. “Trung bình số cuộc họp mọi người phải dự mỗi ngày đang nhiều hơn 250% so với trước thời điểm xảy ra dịch”, bà Mary Czerwinski cho biết, đồng thời nói thêm: “Điều này có nghĩa mọi công việc khác - như lập trình, email và viết - sẽ bị đẩy lùi lại sau đó”.

Một giải pháp rõ ràng nhất là nên có ít cuộc họp hơn, hoặc ít nhất là chỉ nên dành từ 2-3 ngày/tuần cho việc họp để dành thêm thời gian thúc đẩy hiệu suất làm việc thực tế.

Môi trường làm việc “lai” sẽ là xu thế?
Chia sẻ quan điểm với hãng tin Axios, ông Cesar Conde, Chủ tịch tập đoàn NBC Universal News cho rằng, một môi trường làm việc linh hoạt, “lai” giữa online (trực tuyến) và offline (trực tiếp) sẽ là một phần đang diễn ra trong văn hóa công sở. 

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo Axios, Bloomberg, NYT)

.