Quốc tế
WHO: Thế giới không nên chủ quan với Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, SARS-CoV-2 có thể vẫn đang âm thầm tiến hóa để tạo ra các đột biến nguy hiểm mới mà con người hoàn toàn không biết và sự mất cảnh giác của các nước sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Các nhà chức trách Bắc Kinh (Trung Quốc) có kế hoạch xét nghiệm Covid-19 đối với 20 triệu dân ở thành phố này. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26-4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: Tuy số ca mắc mới và tử vong giảm nhưng thế giới cần đón nhận thông tin này với sự thận trọng.
Người đứng đầu WHO lý giải, số lượng ca nhiễm đang giảm vẫn có thể tiềm ẩn những rủi ro. “Việc số ca nhiễm giảm có thể đồng nghĩa với việc các nước giảm số lượng xét nghiệm. Vì thế, WHO sẽ nhận được ít dữ liệu về khả năng truyền nhiễm và trình tự gene của virus hơn”, ông Tedros nói, đồng thời cảnh báo “thế giới ngày càng trở nên mất cảnh giác với các kiểu lây truyền và tiến hóa mới”. Theo ông, sự mất cảnh giác đó có thể để lại những hậu quả khôn lường.
Rõ ràng WHO vẫn chưa cho rằng đại dịch Covid-19 đã kết thúc. Báo The Guardian dẫn lời Tổng Giám đốc WHO cho hay, cơ quan y tế này nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh tử vong do Covid-19 trong tuần qua, mức theo tuần thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Theo thống kê của trang worldometer, tính đến ngày 27-4, thế giới ghi nhận tổng cộng 510,9 triệu ca mắc Covid-19; trong đó có hơn 6,2 triệu ca tử vong và 464 triệu ca hồi phục.
Ông William Rodriguez, người đứng đầu Liên minh Chẩn đoán toàn cầu FIND cho biết, trong 4 tháng qua, mặc dù làn sóng dịch do biến thể Omicron lây lan mạnh nhưng tỷ lệ xét nghiệm giảm từ 70-90% trên toàn cầu. Ông Rodriguez cho rằng, việc giảm xét nghiệm sẽ khiến thế giới trở nên “mù mịt” trước những gì đang xảy ra với SARS-CoV-2 và các biến thể của nó.
Các cảnh báo của WHO và FIND được đưa ra trong lúc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tuyên bố kết thúc giai đoạn khẩn cấp của Covid-19 và bước vào một giai đoạn mới để quản lý đại dịch khả thi hơn: Giám sát đại dịch và sàng lọc có hệ thống đối với những người có triệu chứng và những người mà họ đã tiếp xúc.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Ủy ban châu Âu lý giải, cột mốc nói trên đạt được sau khi tỷ lệ nhiễm Covid-19 cũng như tử vong ở EU giảm dần và khả năng miễn dịch của hơn 70% dân số “lục địa già”. Song, EU vẫn cảnh báo về khả năng xuất hiện các biến thể mới và kêu gọi các nước cần cảnh giác.
Ở khu vực châu Á, trong lúc số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc liên tục giảm, chính phủ nước này công bố “Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với Covid-19”. Theo Yonhap, lộ trình này bắt đầu từ sau khi chính phủ của Tổng thống đắc cử nhậm chức vào ngày 10-5 đến tháng 8, với 4 phương hướng triển khai và 34 biện pháp cụ thể. Bốn phương hướng bao gồm: Thiết lập cơ chế xúc tiến chính sách phòng dịch trên căn cứ khoa học; xây dựng hệ thống đối phó bền vững với bệnh truyền nhiễm; bảo vệ chắc chắn cho nhóm rủi ro cao và tầng lớp yếu thế; bảo đảm vắc-xin và thuốc điều trị đầy đủ.
BÌNH YÊN