Quốc tế
Châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Các nước châu Âu đang chia rẽ xung quanh các giải pháp tiến tới ngừng nhập khẩu hoàn toàn khí đốt và dầu mỏ của Nga. Việc tìm nguồn cung năng lượng thay thế Nga quả thật là bài toán khó đối với “lục địa già”.
Tập đoàn Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan qua đường ống Yamal - châu Âu. TRONG ẢNH: Đường ống dẫn khí đốt ở làng Rembelszczyzna, tỉnh Mazowieckie, gần thủ đô Warsaw của Ba Lan.Ảnh: AFP |
Phiên họp bất thường của Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) được triệu tập ở Brussels (Bỉ) ngày 2-5 sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria hồi tuần trước. Hãng tin BBC cho rằng, hai thách thức chủ yếu đặt ra cho các nước thành viên EU bao gồm: Cách thức thanh toán khi mua dầu và khí đốt của Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt của EU; phát triển các nguồn cung thay thế để không còn phụ thuộc năng lượng của Moscow.
Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận từng bước của EU đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck tin tưởng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ có thể xoay xở được nếu ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, mặc dù quyết định đó chắc chắn dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Năm 2021, Đức nhập 36% lượng dầu mỏ từ Nga nhưng đã giảm xuống còn 12% trong vài tháng qua.
Các quan chức Áo cũng cho biết sẽ không phản đối lệnh cấm dầu mỏ từ Nga nếu các nước khác đều chấp nhận. Song, Đức và Áo chỉ đề cập việc cấm dầu mỏ chứ không nhắc đến khí đốt - mặt hàng quan trọng hơn đối với châu Âu.
Trong khi đó, Hungary phản đối động thái của Đức và khẳng định sẽ không ủng hộ các biện pháp gây nguy hiểm cho nguồn cung. Hungary vốn phụ thuộc Nga về tất cả các hoạt động nhập khẩu khí đốt nên Budapest phản đối các lệnh trừng phạt của EU, thậm chí còn đe dọa sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn gói trừng phạt thứ 6 của liên minh 27 thành viên dự kiến được đưa ra trong những ngày tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu “các nước không thân thiện” thanh toán khí đốt bằng đồng ruble của Nga từ ngày 1-4, thay vì trả bằng USD hoặc EUR, nếu không thì có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp thiết yếu. Ngày 27-4, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria qua đường ống Yamal - châu Âu bởi hai nước này không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble.
Ba Lan và Bulgaria đều phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga. Theo Reuters, Gazprom cung cấp gần một nửa nhu cầu hằng năm của Ba Lan: 10 tỷ m3 khí đốt so với tổng lượng tiêu thụ hơn 20 tỷ m3. Bulgaria tiêu thụ khoảng 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, khoảng 90% trong số đó đến từ Gazprom, được nhập khẩu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cuộc họp, Ba Lan kêu gọi EU đoàn kết, áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời không chấp nhận yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Áo, Hungary và Ý vẫn thể hiện mối lo ngại về tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế của các nước châu Âu. Các nhà lãnh đạo Brussels nói rằng, EU đang tính đến khả năng thay thế nguồn cung dầu của Nga cho riêng Hungary và cả Slovakia để xoa dịu phản ứng của các nước này.
Châu Âu đang phụ thuộc rất lớn vào các nguồn năng lượng nhập từ Nga, với 40% khí đốt và 27% dầu mỏ do Moscow cung cấp. Vì vậy, việc chấm dứt năng lượng của Nga và tìm nguồn cung thay thế là điều không dễ. Châu Âu có thể nhập dầu mỏ từ Trung Đông, nhưng phải nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với giá cao từ Mỹ, Qatar và đây không phải là phương án lâu dài.
Trước quan điểm khác nhau của 27 nước thành viên, EU có thể sẽ thiết kế các gói trừng phạt chuyên biệt với nhiều cấp độ, để từng nhóm nước áp dụng ở các cấp độ khác nhau. Hôm nay (4-5), các nước EU sẽ nhóm họp để thảo luận kỹ hơn về các ý tưởng nói trên trước khi trình các nguyên thủ quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh của khối.
VĨNH AN