Quốc tế

Tác động quốc tế của việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria

16:06, 30/04/2022 (GMT+7)

Nga cắt cung cấp năng lượng với Ba Lan và Bulgaria không chỉ khiến EU đẩy nhanh sự độc lập khỏi năng lượng của Moskva mà còn làm giá năng lượng leo thang.

Ống truyền dẫn khí đốt ở Rembelszczyzna gần Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AFP
Ống truyền dẫn khí đốt ở Rembelszczyzna gần Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AFP

Tập đoàn năng lượng quốc gia khổng lồ Gazprom của Nga mới đây thông báo sẽ cắt xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Ba Lan và Bulgaria do các quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Đây được coi là một cách để Nga hỗ trợ đồng tiền của mình và cũng để đáp trả các nước láng giềng châu Âu về các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Quyết định của Gazprom có thể đẩy nhanh quá trình độc lập của EU khỏi năng lượng của Nga. Khoảng 40% khí đốt của EU đến từ Nga, nhưng khối này đã nỗ lực giảm sự phục thuộc vào năng lượng của Nga ngay cả trước khi xung đột nổ ra.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong khi hạn chế dần việc nhập khẩu năng lượng của Nga", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định trên chứng tỏ rằng Nga sẽ sẵn sàng đáp trả các quốc gia châu Âu lớn hơn khác vì không thanh toán bằng đồng rúp, cho dù điều đó cũng khiến Gazprom sẽ bị ảnh hưởng tài chính.

James Waddell, người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu tại Energy Aspects có trụ sở ở London (Anh), cho biết: “Điều đó cho thấy Nga sẵn sàng ngừng cung cấp nếu các khách hàng không đăng ký hệ thống thanh toán mới. Đó là một cảnh báo cho những người mua lớn hơn ở Tây Âu rằng Moskva sẵn sàng thực hiện hành động đó".

Đức và Italy là một trong những nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga lớn ở châu Âu.

Tuy nhiên, một số công ty năng lượng châu Âu tỏ ra sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Nga. Hiện ít nhất 4 khách hàng mua khí đốt ở châu Âu đã thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp. Đầu tháng này, Hungary tuyên bố sẽ thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp.

Mặt khác, quyết định của Gazprom cũng khiến giá năng lượng có thể tăng trên toàn thế giới khi EU tìm kiếm nhiên liệu ở những nơi khác.

Các nước EU không mua khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ phải tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác. Điều đó có thể dẫn đến sự "rung chuyển" trên thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã chứng kiến ​​giá của chúng tăng vọt.

Theo Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng của Eurasia Group, người mua châu Âu có thể sẽ tìm kiếm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và giá sẽ tăng như trước đây.

“Điều đó có nghĩa là người mua khí đốt trên khắp thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt vì sự cạnh tranh của châu Âu trên thị trường và vì vậy làm tăng giá”, Henning Gloystein nhận định.

Khi mùa Hè đang đến gần và nhu cầu sử dụng nhiệt ít, ông Gloystein cho rằng nhu cầu khí đốt thấp hơn, nhưng điều đó sẽ thay đổi trong những tháng mùa Đông.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn. Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia chia sẻ, giá năng lượng tăng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị kìm hãm bởi lạm phát.

Ông Bordoff nói: “Nếu Nga thực sự cắt nguồn cung cấp khí đốt cho phần lớn châu Âu, đặc biệt là Đức, thì điều đó sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế".

Theo ông Bordoff, sẽ quá khó để tìm đủ nguồn cung cấp năng lượng thay thế để lấp đầy khoảng trống trong ngắn hạn, điều này có thể dẫn đến việc phân bổ lại thị trường năng lượng và giá năng lượng, khí đốt tự nhiên cao kỷ lục.

Theo Báo Tin tức

.