Quốc tế
Covid-19 tới 6 giờ sáng 2-5: Ca mắc và tử vong toàn cầu giảm; New Zealand có ca đầu tiên nhiễm biến thể BA.4
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 284.000 ca mắc Covid-19 và 834 ca tử vong, giảm so với những ngày trước đó. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 513 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
3 quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Italy (40.757 ca), Hàn Quốc (37.771 ca) và Pháp (36.726 ca).
3 quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (147 ca), Italy (105 ca) và Thái Lan (91 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 giảm trên toàn cầu, trong tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện 2 dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại thời điểm số ca mắc Covid-19 tăng đột ngột. Một nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm cho thấy các biến thể này có khả năng tránh được hệ miễn dịch tự nhiên có được sau khi mắc bệnh lẫn "rào chắn" được tạo ra từ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Durban với 24 người từng nhiễm biến thể Omicron ban đầu của virus SARS-CoV-2 nhưng chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 và 15 người đã tiêm vaccine. Các mẫu máu thu được cho thấy ở những người từng nhiễm Omicron, lượng kháng thể trung hòa giảm gần 8 lần khi được thử nghiệm với các biến thể phụ BA.4 và BA.5. Đối với những người đã tiêm phòng, lượng kháng thể trung hòa giảm khoảng 3 lần trong quá trình thử nghiệm tương tự. Tuy nhiên, lượng kháng thể này vô cùng thấp ở những người chưa tiêm phòng. Do vậy, nhóm này không có khả năng đề kháng với 2 biến thể phụ mới, từ đó tiềm ẩn nguy cơ BA.4 và BA.5 có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm mới.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh gia tăng số ca mắc mới tại Nam Phi - quốc gia lần đầu tiên trải qua làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Omicron sau khi biến thể này lần đầu được phát hiện tại đây và quốc gia láng giềng Botswana.
Phòng Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi là đơn vị đầu tiên xét nghiệm biến thể ban đầu Omicron của virus SARS-CoV-2 dựa trên phân tích mẫu máu.
Trung Quốc thử nghiệm vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron
Hình ảnh minh họa vaccine phòng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Công ty Công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences của Trung Quốc thông báo loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng do công ty này và đối tác là Walvax Biotechnology bào chế dựa trên công nghệ mRNA đã được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Hiện Abogen cùng các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech (của Mỹ và Đức) và Moderna (Mỹ) đang "chạy đua" trong nỗ lực thử nghiệm các loại vaccine tiềm năng đặc hiệu, nhằm ngăn chặn Omicron - một biến thể của virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao và "né" được các kháng thể được tạo ra bởi các loại vaccine sẵn có.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục đã tiêm ngừa Covid-19 cho hơn 88% trong số 1,4 tỷ người đủ điều kiện tiêm chủng tại nước này với các loại vaccine không bào chế theo công nghệ mRNA. Trung Quốc đã không chấp thuận sử dụng bất kỳ loại vaccine nào do quốc gia khác bào chế, mặc dù dữ liệu thực tế cho thấy hai sản phẩm do Trung Quốc sản xuất được sử dụng nhiều nhất - của Sinopharm và Sinovac - có hiệu quả ngừa bệnh Covid-19 thấp hơn so với hai loại vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Theo Abogen, ngoài UAE, công ty này cũng đã liên hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc và một số quốc gia khác về việc thử nghiệm lâm sàng vaccine chống lại Omicron và các dòng phụ của biến thể này. Vaccine mRNA do Abogen đồng phát triển cùng Walvax Biotechnology và được một tổ chức nghiên cứu do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn cũng đang được thử nghiệm giai đoạn III ở Trung Quốc, Mexico và Indonesia.
Ngoài ra, Walvax Biotechnology cũng đang hợp tác với công ty khởi nghiệp RNACure (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) nhằm phát triển một vaccine mRNA tiềm năng khác - tuy cũng nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron, nhưng có công thức bào chế khác với loại hợp tác cùng Abogen.
Trước đó, hai loại vaccine đặc hiệu chống Omicron của Sinopharm và Sinovac - vốn là các vaccine bất hoạt hoặc tiêu diệt virus - đã được thử nghiệm lâm sàng tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. UAE cũng đã phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng đối với hai loại vaccine bất hoạt đặc hiệu này.
Trong khi đó, một nghiên cứu mới đang được thực hiện tại bộ phận y tế chuyên về Covid-19 của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) với JT001 (VV116), một loại thuốc uống điều trị sớm Covid-19 cho những bệnh nhân bị mắc thể nhẹ hoặc trung bình.
Các nhà nghiên cứu muốn có khoảng 2.000 tình nguyện viên là các bệnh nhân mới mắc Covid-19 trên 18 tuổi để thử nghiệm lâm sàng loại thuốc trên. Được tài trợ bởi tập đoàn Shanghai JunTop Biosciences, nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả, độ an toàn và dược lực để xem liệu JT001 (VV116) có giúp điều trị sớm, ngăn ngừa được nguy cơ bệnh trở nặng lẫn nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình hay không.
Vào cuối năm 2021, JT001 (VV116) đã được Cơ quan quản lý dược quốc gia Trung Quốc phê chuẩn mục đích nghiên cứu. Trong các thử nghiệm trên động vật, loại thuốc này cho thấy khả năng giảm tải lượng virus và viêm nhiễm trong phổi. Trong giai đoạn 1 nghiên cứu lâm sàng ở những tình nguyện viên khỏe mạnh, JT001 (VV116) chứng minh được tính an toàn.
Các địa điểm thử nghiệm loại thuốc điều trị Covid-19 này sẽ nằm ở cả Hong Kong lẫn Trung Quốc đại lục.
Litva thay đổi chiến lược chống dịch
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn dịch Covid-19 tại Vilnius, Litva ngày 28-3-2020. Ảnh: PAP/TTXVN |
Bộ Y tế Litva ngày 1-5 thông báo kết thúc "tình trạng nghiêm trọng" liên quan đến đại dịch Covid-19, đồng thời thay đổi chiến lược quản lý đại dịch.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nước này chứng kiến số ca nhiễm mới và nhập viện giảm đều. Litva cũng đã đạt tỷ lệ miễn dịch 80%.
Phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia (LRT), Thứ trưởng Bộ Y tế Ausra Bilotiene Motiejuniene nhấn mạnh: "Chúng tôi không nói rằng đại dịch đã qua, song Covid-19 đã được kiểm soát".
Trước đó, Litva đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết các địa điểm công cộng trong không gian kín. Trước ngày 1/5, quy định này chỉ còn bắt buộc tại các cơ sở y tế và trên phương tiện giao thông công cộng.
Từ ngày 1-5, đeo khẩu trang sẽ chỉ mang tính khuyến cáo đối với mọi cơ sở trong phòng kín. Bên cạnh đó, quy định tự cách ly cũng không còn là bắt buộc ngay cả đối với người mắc Covid-19. Các bác sĩ gia đình sẽ quyết định thời gian được nghỉ ốm của bệnh nhân dựa trên tình trạng sức khỏe của họ.
Cũng từ ngày 1-5, Trung tâm Y tế cộng đồng quốc gia sẽ không thu thập thông tin về lịch sử tiếp xúc với người nhiễm bệnh nữa. Tuy nhiên, trung tâm sẽ vẫn điều tra về các ổ dịch bùng phát.
Hy Lạp dỡ bỏ các hạn chế với du khách trước mùa du lịch hè quan trọng
Cơ quan hàng không dân dụng Hy Lạp ngày 1-5 thông báo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế với các chuyến bay nội địa và quốc tế, trước khi bắt đầu mùa du lịch hfè được kỳ vọng sẽ vực dậy doanh thu sau đại dịch Covid-19.
Để bay đến và đi từ Hy Lạp, trước đây du khách được yêu cầu trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Từ ngày 1/5, hành khách và phi hành đoàn sẽ chỉ cần đeo khẩu trang.
Mùa du lịch Hè sẽ bắt đầu ở Hy Lạp sau lễ Phục sinh của người theo đạo chính thống (Orthodox), vào ngày 24-4. Hy Lạp hy vọng lượng lớn du khách trong năm nay. Giới chức nước này dự báo doanh thu đạt 80% so với mức của năm 2019, vốn là năm đạt doanh thu cao kỷ lục trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Các nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ đã được hoạt động trở lại 100% công suất từ ngày 1-5, khách hàng được phép đến mua và ăn uống tại nhà hàng mà không cần có chứng nhận tiêm phòng, song vẫn phải đeo khẩu trang.
Đến nay, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng hơn 3,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 29.000 ca tử vong.
New Zealand ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể BA.4 của Omicron
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bộ Y tế New Zealand ngày 1-5 thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 của Omicron. Đó là một người vừa nhập cảnh.
Bên cạnh đó, New Zealand cũng ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm các biến thể dòng phụ BA.2.12.1 và BA 2.12.2 của Omicron là hai người nhập cảnh nước này trong tháng 4.
Trước đó, nước láng giềng Australia ngày 29-4 cũng xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 tại bang New South Wales, là một người vừa từ Nam Phi trở về.
Một nghiên cứu mới đây trong phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Durban cho thấy 2 dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron có khả năng tránh được hệ miễn dịch tự nhiên có được sau khi mắc bệnh lẫn "rào chắn" được tạo ra từ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.
New Zealand hiện đang áp dụng cảnh báo cấp độ cam trong Khung Bảo vệ Covid-19. Từ ngày 1-5, New Zealand đã quyết định thử nghiệm công nghệ xét nghiệm Covid-19 mới được cho là cho kết quả có độ chính xác cao trong một thời gian ngắn. Xét nghiệm mới này sử dụng công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt qua trung gian vòng lặp (LAMP), được cho là có thể kết hợp tốc độ nhanh chóng của xét nghiệm nhanh với độ chính xác cao của xét nghiệm PCR. Xét nghiệm LAMP có chi phí thấp hơn xét nghiệm PCR và thuận tiện hơn, có thể tự thực hiện và cho kết quả trong vòng 30 phút, giúp giảm tối thiểu những trở ngại khi chào đón du khách nước ngoài và có thể được sử dụng ở những nơi nguy cơ dịch cao như bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Cuộc thử nghiệm trên được triển khai trùng với thời điểm những du khách đầu tiên từ các quốc gia được miễn thị thực có thể trở lại Zealand từ ngày 1-5.
Trong khi đó, New Zealand đã quyết định thử nghiệm một công nghệ xét nghiệm Covid-19 mới được cho là cho kết quả có độ chính xác cao trong một thời gian ngắn.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thứ trưởng Y tế Ayesha Verrall cho biết chính phủ sẽ phối hợp cùng hãng hàng không Air New Zealand thử nghiệm bộ xét nghiệm Lucira Check-It với nhân viên hãng này trong thời gian 3 tháng. Bà nhấn mạnh: "Khi New Zealand kết nối lại với thế giới, chúng tôi đang khám phá công nghệ xét nghiệm tiên tiến giúp đem lại sự an toàn cho mọi người, giảm tối thiểu những trở ngại khi chào đón du khách".
Xét nghiệm mới này sử dụng công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt qua trung gian vòng lặp (LAMP), được cho là có thể kết hợp tốc độ nhanh chóng của xét nghiệm nhanh với độ chính xác cao của xét nghiệm PCR. Xét nghiệm LAMP có chi phí thấp hơn xét nghiệm PCR và thuận tiện hơn, có thể tự thực hiện và cho kết quả trong vòng 30 phút.
Chi phí cho cuộc thử nghiệm này được chia sẻ giữa chính phủ và Air New Zealand. Giá bán lẻ của xét nghiệm này ở nước ngoài là vào khoảng 75 USD. Bà Verrall không cho biết số kit test chính xác dùng cho cuộc thử nghiệm này nhưng nói rằng sẽ là "hàng chục nghìn".
Theo đánh giá của quan chức này, xét nghiệm công nghệ LAMP có thể cung cấp một lựa chọn thuận tiện hơn cho khách du lịch, nhân viên làm việc ở biên giới, nhân viên y tế, nhân viên du lịch... Xét nghiệm cũng có thể được sử dụng ở những nơi nguy cơ dịch cao như bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Cuộc thử nghiệm trên được triển khai trùng với thời điểm những du khách đầu tiên từ các quốc gia được miễn visa có thể trở lại Zealand từ 23:59 ngày 1-5.
Theo Báo Tin tức