Quốc tế

Tổng thống Mỹ sắp thăm châu Á

08:31, 29/04/2022 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 5, đánh dấu chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 1-2021.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20 đến 24-5.  Trong ảnh: Ông Biden (thứ hai, từ trái sang) lên máy bay Air Force One tại Căn cứ Không quân Vệ binh quốc gia Delaware ở New Castle, Delaware (Mỹ) ngày 25-4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20 đến 24-5. TRONG ẢNH: Ông Biden (thứ hai, từ trái sang) lên máy bay Air Force One tại Căn cứ Không quân Vệ binh quốc gia Delaware ở New Castle, Delaware (Mỹ) ngày 25-4. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, trong chuyến công du từ ngày 20 đến 24-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo của hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc về sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và những mối đe dọa mới nhất từ CHDCND Triều Tiên. “Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những cơ hội làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh quan trọng, tăng cường các mối quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác để mang lại những kết quả thiết thực”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu.

Theo Yonhap, ông Biden sẽ gặp gỡ tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào ngày 21-5, tức sau hơn 10 ngày ông Yoon tuyên thệ nhậm chức. Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đến Nhật Bản vào ngày 22-5 và gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio trước khi cả hai ông tham dự hội nghị của nhóm BộTứ kim cương (QUAD), cùng những người đồng cấp Úc và Ấn Độ.

Chuyến công du châu Á của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh Washington đang tìm cách củng cố sự đoàn kết giữa các đồng minh để ứng phó với cuộc xung đột Nga - Ukraine, ảnh hưởng kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Nhật Bản và Hàn Quốc nằm ở khu vực Đông Bắc Á. Cả hai nước này đều có quân đội Mỹ đồn trú và một số căn cứ hải quân, không quân quan trọng của Washington.

Hãng tin Reuters cũng cho hay, Triều Tiên dự kiến ​​sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden ở cả Seoul lẫn Tokyo sau khi Bình Nhưỡng đề ra một học thuyết mới về sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân để tấn công bất kỳ nước nào vi phạm “các lợi ích cơ bản” của Bình Nhưỡng. Hồi tháng 3, Triều Tiên nối lại việc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên kể từ năm 2017. Seoul và Washington lo ngại Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị một đợt thử hạt nhân mới.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Bae Hyun Jin, người phát ngôn của Tổng thống sắp nhậm chức Yoon Suk Yeol cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn sẽ tổ chức các cuộc thảo luận sâu về nhiều vấn đề, bao gồm phát triển liên minh giữa hai nước, “điều phối chính sách về Triều Tiên, an ninh kinh tế và các vấn đề quốc tế, khu vực”. Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Yoon cũng đã cam kết thúc đẩy khả năng phòng vệ của Hàn Quốc để ứng phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho hay, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ hướng tới hòa bình, thịnh vượng hơn nữa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và rộng hơn thế.

Giới quan sát nhận định: Chuyến công du sắp tới của Tổng thống Biden là nỗ lực nhằm trấn an các đồng minh châu Á trước lo ngại rằng Washington quan tâm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, mà lơ là châu lục này và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tháng 2-2022, Mỹ công bố chiến lược mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó kêu gọi “xây dựng ảnh hưởng cân bằng” có lợi cho Mỹ và các đồng minh, đối tác; đồng thời quản lý cạnh tranh của nước này với Trung Quốc một cách có trách nhiệm. Trong chiến lược, Mỹ cam kết tăng cường vai trò của cường quốc này nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế.

PHÚC NGUYÊN

.