Quốc tế
Hội đồng Bảo an lần đầu ra tuyên bố về Ukraine
Lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) có tiếng nói chung về vấn đề hòa bình ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ). Ảnh: AP |
“Như tôi thường nói, thế giới phải đoàn kết để làm im tiếng súng và gìn giữ những giá trị của Hiến chương LHQ”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vui mừng thông báo sau khi tuyên bố chung được thông qua vào ngày 6-5, giờ New York (Mỹ), tức ngày 7-5 (giờ Việt Nam), theo thông tin từ trang UN.ORG.
Hãng tin AP cho biết, tuyên bố do Mexico và Na Uy soạn thảo trong hơn 2 tháng. Tất cả các quốc gia thành viên, kể cả Nga, đã nhanh chóng thông qua tuyên bố, đánh dấu một trong những lần hiếm hoi Moscow đồng thuận với các quốc gia phương Tây trong vấn đề Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ. Đáng lưu ý, đây là tuyên bố đầu tiên của HĐBA về xung đột Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra vào ngày 24-2.
Trước đó, Nga đã dùng quyền phủ quyết của thành viên thường trực HBĐA để chặn các nghị quyết hoặc tuyên bố chỉ trích hành động quân sự của nước này tại Ukraine.
Giờ đây, để Nga gật đầu với tuyên bố liên quan Ukraine, AP cho biết, những từ/cụm từ gây tranh cãi đã bị loại bỏ, mà chỉ dùng từ “bất đồng” (“dispute”, theo bản tiếng Anh)… Tuyên bố rất ngắn gọn, trong đó bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc liên quan việc duy trì hòa bình và ổn định của Ukraine”, “kêu gọi tất cả quốc gia thành viên, theo Hiến chương của LHQ, thực hiện trách nhiệm giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”. Tuyên bố cũng bày tỏ ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng Thư ký LHQ trong quá trình tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuần trước, ông Guterres đã gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Chuyến công du của ông Guterres mở đường cho hoạt động sơ tán chung của LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, đưa khoảng 500 dân thường bị mắc kẹt ở thành phố Mariupol của Ukraine ra khỏi khu vực chiến sự trong những ngày gần đây, nhất là tại nhà máy thép Azovstal đang bị các lực lượng Nga bao vây.
Hãng tin TASS dẫn lời đại diện thường trực của Mexico tại LHQ Juan Ramón de la Fuente Ramírez nhận định: Việc Nga ủng hộ tuyên bố nói trên là tín hiệu tích cực về giải pháp ngoại giao, đồng thời cho thấy Moscow sẵn sàng với giải pháp ngoại giao. Lý giải về việc phải mất 2 tháng để soạn thảo tuyên bố chung, ông Ramírez cho rằng, đây là “bước khởi đầu rất đơn giản nhưng nó sẽ vạch ra hướng đi đúng”.
Tuy nhiên, sau tuyên bố chung thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Về vấn đề hòa bình ở Ukraine, cuối tuần qua, Tổng thống Zelensky cho biết, Kiev sẵn sàng nối lại đàm phán với Moscow để chấm dứt cuộc xung đột, nếu lực lượng quân đội Nga rút trở về vị trí ban đầu trước thời điểm 24-2. Đàm phán gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra vào cuối tháng 3 tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào. Phía Ukraine yêu cầu bất cứ thỏa thuận chính thức nào với Nga cũng phải bảo đảm hòa bình trên toàn lãnh thổ quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này. Đến nay, vẫn chưa rõ khi nào mới diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Ukraine để chấm dứt xung đột.
Về phía HĐBA LHQ, một vấn đề được đặt ra là cần tăng hiệu lực, hiệu quả cho cơ quan này. Câu chữ trong những tuyên bố chung vẫn chỉ có tính hình thức nên mang ý nghĩa tượng trưng, chứ khó tạo ra sự thay đổi thực tế nào.
Một nghị quyết của HĐBA cần 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào từ 5 nước thành viên thường trực gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Hồi tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cải tổ LHQ, vì “số phận của 193 quốc gia thành viên LHQ được quyết định bởi 5 quốc gia là không công bằng”, theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
VĨNH AN