Đà Nẵng cuối tuần
Hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi
Khắp vùng Sừng châu Phi, từ phía nam Ethiopia đến phía bắc Kenya và Somalia, đang đối mặt với đợt hạn hán chưa từng có trong 40 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 20 triệu người.
Một đứa trẻ suy dinh dưỡng cùng mẹ có mặt tại Trung tâm Y tế Kelafo ở thị trấn Kelafo, cách thành phố Gode (Ethiopia) 120km ngày 7-4. Ảnh: AP |
Hồi tháng 4, Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, 20 triệu người có nguy cơ thiếu lương thực khi hạn hán kéo dài ở Kenya, Somalia và Ethiopia. Hạn hán suốt nhiều tháng, cùng bất ổn chính trị, sự xâm nhập của châu chấu, suy thoái kinh tế do ảnh hưởng Covid-19 khiến vùng Sừng châu Phi đứng bên bờ vực thảm họa nhân đạo.
1,7 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng
Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, khoảng 1 triệu người ở vùng Sừng châu Phi đã rời bỏ nhà cửa do thiếu lương thực, nước và đồng cỏ để chăn nuôi. Các đồng cỏ và các điểm nước đang khô cạn, gia súc chết hàng loạt. “Số người thiếu lương thực ước tính tăng từ 14 triệu người hiện tại lên 20 triệu người trong năm 2022”, chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ cho biết.
Theo WFP, 6 triệu người Somalia (chiếm 40% dân số) đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và nguy cơ xảy ra nạn đói trong những tháng tới nếu tình hình này kéo dài.
Tại Kenya, 500.000 người có nguy cơ thiếu ăn, nhất là người dân sống ở phía bắc vốn phụ thuộc vào chăn nuôi. WFP cho biết, trong gần 2 năm, số người dân Kenya cần được hỗ trợ tăng gấp 4 lần.
Tại Ethiopia, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở miền nam và đông nam do hạn hán đã tăng trên ngưỡng khẩn cấp, trong khi miền bắc vẫn đang trải qua cuộc giao tranh kéo dài 17 tháng giữa lực lượng chính phủ và phiến quân Tigray. OCHA ước tính có tới 6,5 triệu người ở Ethiopia (chiếm hơn 6% dân số) đang trong tình trạng mất an ninh lương thực vì hạn hán.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) xác nhận vùng Sừng châu Phi hiện bị ảnh hưởng hạn hán, xung đột, nghèo đói, đó là chưa kể mối đe dọa châu chấu khiến mùa màng thất bát liên tiếp từ năm 2019-2021. Tình hình trở nên xấu hơn do cuộc xung đột ở Ukraine góp phần làm tăng giá lương thực, phân bón, nhiên liệu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn, tại Somalia - quốc gia nhập khẩu 90% lúa mì từ Nga và Ukraine, giá mặt hàng này đã tăng 45%.
Đại diện FAO tại Liên minh châu Phi (AU), ông Chimimba David Phiri, kêu gọi phải hành động ngay để ngăn chặn thảm họa nhân đạo xảy ra. Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Catherine Russell cho biết, 10 triệu trẻ em ở Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia đang cần được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu. Tuần trước, bà Russells phát biểu trong chuyến thăm Ethiopia rằng, tổng cộng 1,7 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và thiếu nước sạch là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ dự báo các đợt nắng nóng, hạn hán và lượng mưa cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn ở châu Phi trong những thập niên tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, theo FAO, sự tương tác giữa biến đổi khí hậu, nguồn nước và an ninh lương thực cho thấy, khi nhiệt độ Trái đất tăng lên sẽ đẩy nhanh chu kỳ thủy văn trên toàn cầu, làm tăng tốc độ nước bốc hơi, gây gián đoạn các mô hình mưa trên khắp châu Phi và những nơi khác trên thế giới, làm trầm trọng hơn tình trạng xói mòn đất đai và nạn sa mạc hóa. Khi nhiệt độ tăng trên toàn cầu, an ninh lương thực ở những vùng khô hạn và bán khô hạn của Sừng châu Phi ngày càng bấp bênh.
Hội nghị tài trợ quốc tế diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tuần trước đã cam kết tài trợ 1,4 tỷ USD cho vùng Sừng châu Phi để ứng phó với hạn hán. Trong một tuyên bố ngày 27-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington sẽ viện trợ hơn 200 triệu USD cho vùng Sừng châu Phi. Riêng WFP ước tính họ cần hơn 470 triệu USD để mở rộng quy mô hỗ trợ ở Kenya, Somalia và Ethiopia trong 6 tháng tới.
Giám đốc OCHA Martin Griffiths lo ngại xung đột ở Ukraine có nguy cơ làm lệch hướng sự quan tâm và nguồn tài chính của thế giới. Điều đáng lo ngại là chính các cơ quan viện trợ cũng đang cạn kiệt nguồn dự trữ lúa mì từ Ukraine và Nga.
130 triệu
là số người dân sinh sống tại vùng Sừng châu Phi (vùng Đông Bắc Phi), nơi đang được ghi nhận tình trạng khô hạn kỷ lục kể từ năm 1981. |
VĨNH AN
(theo The Manila Times, AFP, Quartz Africa)