Quốc tế

Thế giới tuần qua: Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ; Triều Tiên bùng dịch Covid-19

07:45, 15/05/2022 (GMT+7)

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ diễn ra trong 2 ngày từ 12 đến 13-5 và việc Triều Tiên chính thức ghi nhận những ca tử vong do Covid-19 đầu tiên là những sự kiện được dư luận thế giới quan tâm hàng đầu trong tuần qua.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ

Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr và các Lãnh đạo ASEAN. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr và các Lãnh đạo ASEAN. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 13-5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dự các phiên làm việc chính thức của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ bao gồm phiên họp giữa các Lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden; phiên thảo luận giữa các Lãnh đạo ASEAN với Phó Tổng thống Kamala Harris về an ninh biển và phòng chống Covid-19 cùng phiên thảo luận với các Bộ trưởng Nội các về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững.

Tổng thống Indonesia Widodo đã đồng chủ trì với Tổng thống Hoa Kỳ Biden và Phó Tổng thống Harris các hoạt động này. Lãnh đạo các nước đã trao đổi về an ninh biển, kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo Hoa Kỳ đã công bố nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác với ASEAN. Trong bữa tối ngày 12-5 trước khi khai mạc Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ tại Washington vào ngày sau đó, Tổng thống Biden đã cam kết viện trợ 150 triệu USD hỗ trợ ASEAN củng cố hệ thống cơ sơ hạ tầng, năng lực an ninh và ứng phó với đại dịch Covid-19.

Cụ thể, khoản 150 triệu USD này sẽ được chia giải ngân cho phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước với mục đích khử carbon của các nhà máy điện trong khu vực (40 triệu USD), an ninh hàng hải (60 triệu USD), quỹ hỗ trợ y tế (16 triệu USD) để phát hiện sớm Covid-19 và ứng phó với các dịch bệnh hô hấp. Ngoài ra, nguồn viện trợ này sẽ được phân phối hỗ trợ các nước trong quá trình chuyển đổi số số và xây dựng các đạo luật về trí tuệ nhân tạo.

Quang cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Quang cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lãnh đạo ASEAN cảm ơn Hoa Kỳ đã hỗ trợ chủ động ứng phó dịch Covid-19, giúp nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh, cung ứng vaccine và gần đây thành lập Văn phòng khu vực Đông Nam Á Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Hà Nội. Các nước ASEAN mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ các sáng kiến phòng chống đại dịch của ASEAN.

Nhận định tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức mới nảy sinh, ASEAN và Hoa Kỳ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai.

Triều Tiên xác nhận bùng dịch, nhiều ca tử vong do Covid-19

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch Covid-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12-5, Triều Tiên xác nhận những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại nước này, 2 năm sau khi đại dịch bùng phát trên toàn thế giới. Triều tiên đã chuyển sang "hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp tối đa" và áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Đến ngày 13-5, nước này xác nhận 6 trường hợp tử vong vì Covid-19. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin trên 350.000 người có triệu chứng sốt kể từ cuối tháng 4. Đến ngày 14-5, Triều Tiên tuyên bố có 21 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un đánh giá: “Sự lây lan của dịch bệnh ác tính là biến cố lớn ập vào đất nước chúng ta kể từ khi lập quốc. Nhưng nếu chúng ta không mất tập trung vào việc thực hiện chính sách phòng chống dịch bệnh và duy trì sức mạnh tổ chức, kiểm soát dựa trên sự đoàn kết nhất trí của đảng cùng nhân dân đồng thời tăng cường chiến đấu chống dịch thì chúng ta có thể vượt qua được khủng hoảng”.

KCNA cho biết kể từ cuối tháng 4, tổng cộng có 524.440 người mang triệu chứng sốt và ngày 13-5 có 174.440 trường hợp mới. KCNA đề cập rằng có 243.630 người được điều trị nhưng hãng thông tấn này không nhắc đến số lượng người đã được xét nghiệm hoặc xác nhận tổng số ca mắc Covid-19.

KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sự lây lan không phải là không kiểm soát được và đất nước phải có niềm tin vào cuộc chiến để vượt qua khủng hoảng trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng thời nói rằng các quan chức y tế nước này cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, trong đó có Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch.

KCNA đưa tin đã có thảo luận về việc khẩn cấp phân phát thuốc và áp dụng phương pháp điều trị khoa học cho những người bị sốt và có các triệu chứng khác để giảm thiểu thương vong.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tới thăm Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia tại Bình Nhưỡng ngày 12-5. Ảnh: Yonhap-TTXVN
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tới thăm Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia tại Bình Nhưỡng ngày 12-5. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng với năng lực xét nghiệm Covid-19 còn hạn chế của Triều Tiên, con số được công bố chỉ đại diện cho một phần toàn bộ ca nhiễm và có thể đẫn đến nhiều trường hợp tử vong ở quốc gia không có chiến dịch tiêm chủng này. Ngoài ra, dịch Covid-19 còn có nguy cơ gia tăng tình hình thiếu lương thực bởi lệnh phong tỏa gây cản trở nỗ lực chống hạn hán.

Chủ tịch Kim Jong-un ngày 12-5 yêu cầu duy trì các hoạt động kinh tế và canh tác khi công bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Trong một diễn biến khác, KCNA nhấn mạnh nhiều công nhân và thanh niên tiếp tục được huy động tham gia ngăn chặn thiệt hại do hạn hán và bắt tay vào trồng lúa tại nhiều khu vực khác nhau của đất nước.

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 13-5 khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên đối phó với dịch Covid-19. Phó Phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres-ông Farhan Haq, khẳng định LHQ cam kết sẵn sàng cùng các đối tác nhân đạo hỗ trợ người dân Triều Tiên về Covid-19 cùng các vấn đề khác. Ông cho biết LHQ đang theo dõi tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên và giữ liên lạc với đại diện của Triều Tiên về vấn đề này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên và Eritrea là hai quốc gia duy nhất trên thế giới chưa triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Triều Tiên trong năm 2021 công bố đã tự phát triển thiết bị xét nghiệm PCR.

Theo Báo Tin tức

.