Đà Nẵng cuối tuần
Sri Lanka: Từ "thiên đường du lịch" thành quốc gia vỡ nợ
Sri Lanka - hòn đảo hình giọt lệ với 22 triệu dân từng được xem là “thiên đường du lịch” - đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử vì vỡ nợ.
Hai anh em ông Mahinda (trái) và Gotabaya Rajapaksa chia nhau làm Thủ tướng và Tổng thống Sri Lanka. Ảnh: Getty Images |
Ngày 12-4, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD; các chủ nợ hàng đầu là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, Sri Lanka phải trả 7 tỷ USD nợ trong năm nay.
Bất chấp lệnh giới nghiêm, những người biểu tình vẫn đổ xuống đường yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức trong lúc tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men, mất điện thường xuyên xảy ra suốt nhiều tháng qua. Các cuộc biểu tình từ ôn hòa nhanh chóng chuyển sang bạo lực.
Nguồn cơn do đâu?
Kể từ khi lực lượng vũ trang đòi ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) bị tiêu diệt vào năm 2009, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 26 năm, nền kinh tế Sri Lanka đã dần phục hồi với tăng trưởng trung bình mỗi năm ở mức 5,6% trong giai đoạn 2010-2018. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 15,3% trong năm 2006 xuống còn 4,1% năm 2016.
Du lịch trở thành ngành trọng điểm của Sri Lanka, đóng góp 12% GDP và là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 5 của quốc gia Nam Á này. Giai đoạn 2009-2021, doanh thu từ du lịch của Sri Lanka đạt trung bình 178 triệu USD/năm và chạm mức cao nhất 475 triệu USD vào tháng 12-2018. Đầu những năm 2000, nước này phát triển các ngành chế biến lương thực, dệt may, viễn thông. Doanh thu từ xuất khẩu hàng dệt may đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2000. Ngành trồng chè mang về nguồn thu 1,3 tỷ USD trong năm 2021.
Trung tâm “cơn thịnh nộ” của người dân Sri Lanka giờ đây là Tổng thống Gotabaya, người nhậm chức vào tháng 11-2019 và từng được cử tri kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi, mang đến ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và cải thiện kinh tế tại quốc gia này.
Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, ông Gotabaya đã dành phần lớn thời gian để củng cố quyền lực. Ông không những sửa đổi hiến pháp để chính mình nắm quyền hành lớn, mà còn trao cho 5 thành viên gia đình các chức vụ cao cấp trong chính phủ, trong đó em trai ông là Mahinda Rajapaksa đảm nhận chức Thủ tướng.
Các nhà quan sát cho rằng, ông Gotabaya và chính phủ của Thủ tướng Mahinda (người vừa đệ đơn từ chức) đã sai lầm trong điều hành kinh tế ngay sau khi nắm quyền như: xóa bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm thuế xuống còn 8% GDP, in tiền số lượng lớn, từ chối tái cơ cấu nợ nước ngoài và tiêu xài hết sạch dự trữ ngoại hối…
Loạt tấn công khủng bố ngày 21-4-2019, đúng dịp Lễ Phục sinh, cùng đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Sri Lanka.
Năm 2020, các cơ quan đánh giá hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka khiến quốc gia này bị loại khỏi thị trường tài chính quốc tế. Để ứng phó với tình hình, chính phủ rút dần dự trữ ngoại hối, khiến dự trữ này “bốc hơi” hơn 70% chỉ trong 2 năm.
Đến tháng 3-2022, dự trữ ngoại hối chỉ còn 1,93 tỷ USD, không đủ để trang trải 1 tháng nhập khẩu, khiến tất cả các mặt hàng thiết yếu từ xăng dầu tới thực phẩm, thuốc men đều khan hiếm. Cũng trong tháng 3-2022, chỉ số giá tiêu dùng quốc gia (NCPI) tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 4 lần mức lạm phát 5,1% của một năm trước đó; riêng lạm phát lương thực ở mức 29,5%.
Tìm sự trợ giúp
Tổng thống Gotabaya nói rằng cuộc khủng hoảng ngoại hối không phải do chính phủ của ông gây ra và nhận định suy thoái kinh tế nghiêm trọng chủ yếu do ảnh hưởng của Covid-19.
Sri Lanka cần khoảng 3 tỷ USD trong 6 tháng tới để phục hồi nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và chính phủ đang trông chờ nguồn viện trợ từ các nước, Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Giới chức Colombo cũng nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay khẩn cấp. Tuy nhiên, IMF đánh giá khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD của quốc gia Nam Á này là “không bền vững” và phải được “tái cấu trúc” trước khi có bất kỳ sự trợ giúp nào.
Sri Lanka đề nghị Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp gói tín dụng để quốc đảo này có thể trang trải các khoản nợ. Thậm chí, ông Gotabaya còn nhờ các nước nghèo hơn như Bangladesh mở hạn mức tín dụng nhằm mua nhiên liệu và sữa bột; đồng thời đề nghị dùng lá trà để mua dầu mỏ từ Iran.
Các nhà phân tích cảnh báo sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế và các nước khác sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng càng kéo dài.
KHÁNH LINH (theo Reuters, Bloomberg, AFP)