Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

07:57, 28/05/2022 (GMT+7)

Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff tham dự buổi lễ ở Brussels (Bỉ), đánh dấu việc hai quốc gia Bắc Âu này xin gia nhập liên minh quân sự hiện có 30 thành viên. Ảnh: Reuters
Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff tham dự buổi lễ ở Brussels (Bỉ), đánh dấu việc hai quốc gia Bắc Âu này xin gia nhập liên minh quân sự hiện có 30 thành viên. Ảnh: Reuters

Hãng tin AP cho biết, phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không đồng ý để hai nước Bắc Âu này gia nhập NATO trừ khi Stockholm và Helsinki triển khai các bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng tiến trình xin gia nhập NATO của họ sẽ không thể cho tới khi những quan ngại an ninh của Ankara được giải quyết”, ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.

“Tối hậu thư” của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các đối tượng có liên quan Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và những nhân vật ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. PKK là tổ chức chính trị có vũ trang bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố; còn giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính hồi năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trong các cuộc điện đàm với các quan chức Thụy Điển và Phần Lan, phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định: Nếu những mong muốn của Ankara không được đáp ứng thì “quá trình này sẽ không thể có tiến triển”.

Ông Kalin bày tỏ hy vọng Thụy Điển sẽ dẫn độ 28 người bị tình nghi khủng bố và Phần Lan dẫn độ 12 người về Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nói rằng “không có cơ sở pháp lý” để từ chối dẫn độ những người này. Hôm 18-5, Tổng thống Erdogan đưa ra yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan phải dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10-2019 sau khi các lực lượng Ankara tấn công phía bắc Syria.
Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan không những bác bỏ cáo buộc hai nước này hỗ trợ chiến binh người Kurd thuộc PKK, mà còn từ chối dẫn độ bất kỳ nghi phạm nào theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Song, Stockholm và Helsinki cũng có những nhượng bộ. Theo Reuters, ngày 25-5, phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan do Ngoại trưởng hai nước dẫn đầu đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về các vướng mắc giữa hai bên. Hai quốc gia Bắc Âu đồng ý dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Chờ động thái của NATO

Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18-5, đánh dấu sự thay đổi lập trường trung lập và không liên kết quân sự sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, lá đơn của Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập khối liên minh quân sự là “bước đi lịch sử” và “mọi quốc gia đều có quyền tự quyết định con đường của mình”. Tuy nhiên, theo quy định của NATO, một quốc gia chỉ có thể chính thức được kết nạp nếu nhận được cái gật đầu từ tất cả 30 nước thành viên trong khối. Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ phủ bóng lên những hy vọng của Stockholm và Helsinki về việc sớm trở thành thành viên của NATO trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine vẫn chưa kết thúc.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể sử dụng quyền phủ quyết trong NATO như một đòn bẩy không chỉ nhằm chống lại các thành viên tương lai mà còn cả những thành viên hiện tại. Trong đó, Ankara muốn tận dụng cơ hội này như cái cớ nhằm khẳng định lại vai trò và ảnh hưởng trong NATO, sâu xa hơn là nhắm đến Mỹ sau những căng thẳng xung quanh thỏa thuận mua và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất.

Việc NATO có thêm Thụy Điển và Phần Lan sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị tại Bắc Âu, điều mà Nga không mong muốn. Trong lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng chia sẻ những lợi ích trên Biển Đen và tình hình chiến sự tại Syria. Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan cũng gửi đi thông điệp về nỗ lực cân bằng chiến lược của Ankara đối với Nga.

Về phía NATO, liên minh này hẳn sẽ không “cứng rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ bằng biện pháp khai trừ để mở đường cho Thụy Điển và Phần Lan. Bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược đặc biệt và là đối tác chiến lược quan trọng trong NATO. Việc còn lại là NATO phải tìm cách xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ để có được cái gật đầu của Ankara cho tiến trình kết nạp hai thành viên Bắc Âu.

PHÚC NGUYÊN

.