Tổng thống Mỹ công du châu Á: Chuyến đi củng cố quan hệ đồng minh

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn dùng chuyến công du châu Á 6 ngày để khẳng định mối quan hệ đồng minh “vững như bàn thạch” với Hàn Quốc và Nhật Bản, xem đây là một trục trọng tâm trong hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) ở căn cứ không quân Osan tại thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc) ngày 20-5. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) ở căn cứ không quân Osan tại thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc) ngày 20-5. Ảnh: AP

Ngày 19-5 (giờ Maryland), Tổng thống Joe Biden lên chuyên cơ Air Force One bắt đầu đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden từ khi nhậm chức, với ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu là kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng

Theo AP, Tổng thống Biden đến nhà máy sản xuất chip của Tập đoàn Samsung ở thành phố Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía nam, để gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk Yeol và lãnh đạo Samsung.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn ngày 21-5, ông Biden và ông Yoon Suk Yeol sẽ đề cập một loạt vấn đề; trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên, những thách thức an ninh và kinh tế mà các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phải đối mặt, hay việc hợp tác để tăng cường chuỗi cung ứng… Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh lần này là xác lập quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện giữa hai nước với vai trò là một trục trọng tâm trong nền hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.

Các nhà quan sát nhận định: Việc Tổng thống Biden chọn điểm dừng chân đầu tiên là nhà máy sản xuất của Samsung cho thấy Mỹ và Hàn Quốc tăng cường hợp tác ở lĩnh vực công nghệ. Năm ngoái, ông Moon Jae-in khi làm Tổng thống (tức người tiền nhiệm của ông Yoon Suk Yeol) đã đến Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã công bố các kế hoạch đầu tư chất bán dẫn và pin cho ô-tô điện nhằm mở rộng việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, củng cố chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Về sản xuất chip, Trung Quốc đại lục dẫn đầu thị trường toàn cầu với 24% thị phần; tiếp đó là Đài Loan - Trung Quốc (21%), Hàn Quốc (19%) và Nhật Bản (13%).

Theo báo USA Today, nhà máy mà ông Biden đến thăm tương tự mô hình đang được tập đoàn Samsung xây dựng ở bang Texas (Mỹ). Việc Samsung xây dựng nhà máy chip tiên tiến ở Texas là chiến thắng của chính phủ Tổng thống Biden đối với ưu tiên bảo mật chuỗi cung ứng và tăng công suất bán dẫn trên đất Mỹ. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, dự án đầu tư hàng tỷ USD này sẽ mang lại khoảng 1.800 việc làm trong 10 năm đầu tiên cho người Mỹ, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19, khắc phục tình trạng thiếu chip toàn cầu vốn gây khó khăn cho ngành công nghệ và ô-tô.

Hình thành liên minh an ninh và kinh tế lâu dài

Rời Hàn Quốc, Tổng thống Biden sẽ đến Nhật Bản để hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio vào ngày 23-5. Hãng tin Kyodo cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về những nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh song phương và ổn định nguồn cung các tài nguyên quan trọng. Thủ tướng Kishida dự kiến thông báo tham gia Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) - sáng kiến mới của Mỹ, đồng thời thuyết phục Washington trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

IPEF thúc đẩy hợp tác trong việc tạo ra các chuỗi cung ứng vững chắc hơn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Song, IPEF không đặt mục tiêu cắt giảm thuế suất hoặc cho phép những nước tham gia tiếp cận nhiều hơn thị trường Mỹ mặc dù đây là điều mà các nước châu Á tìm kiếm. Nhật Bản và Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba ở châu Á. Vì vậy, Tổng thống Biden đương nhiên sẽ kéo hai quốc gia này vào IPEF, hình thành một liên minh an ninh và kinh tế lâu dài để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Sau đó, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ kim cương (QUAD, gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ). Đài NBC cho rằng, việc đội ngũ của ông Biden nỗ lực phát triển QUAD thành một khối kinh tế và quân sự thực chất hơn, cùng các sáng kiến kinh tế mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là thông điệp gửi đến Trung Quốc.

Trước khi tháp tùng Tổng thống Biden công du châu Á, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan trả lời báo giới: “Thông điệp mà chúng tôi cố gắng phát đi trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Biden là một tầm nhìn cho thấy thế giới sẽ như thế nào nếu các nền dân chủ và xã hội hợp tác với nhau để định hình các quy tắc trên con đường xác định kiến trúc an ninh khu vực, để củng cố các liên minh lịch sử mạnh mẽ. Chúng tôi nghĩ thông điệp đó sẽ được nghe thấy ở khắp mọi nơi và cả ở Bắc Kinh”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.