Vật cản và nguy cơ bất ổn gia tăng?

.

Một trong những tâm điểm đang được dư luận quan tâm là Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng xác nhận Helsinki sẽ sớm đăng ký gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Vậy tiến trình Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO có “vật cản” nào xuất hiện và tác động của nó ra sao đối với cấu trúc an ninh châu Âu?

Một là, vật cản. Việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO được xem là “món quà” bất ngờ dành cho tổ chức này, được nảy sinh từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nước lo ngại về an ninh nên muốn tìm kiếm sự bảo vệ. Hầu hết các nước thành viên NATO, nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Đức… ra ngay các tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ và cam kết sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình kết nạp thành viên đối với Phần Lan và Thụy Điển.

Thế nhưng, một “vật cản” bất ngờ xuất hiện khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thụy Điển và Phần Lan “chứa chấp” những người mà Ankara cho là có liên quan các tổ chức bị nước này và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK), hay những người theo Giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo các đại diện cấp cao của nước này và Phần Lan có kế hoạch sớm tới Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán nhằm giải quyết việc Ankara phản đối hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Song, ông Erdogan nhấn mạnh: “Họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đến để thuyết phục chúng tôi sao? Xin lỗi, nhưng họ không nên phí công”.

Đây được xem là “gáo nước lạnh” dội vào lá đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, bởi yêu cầu bắt buộc phải có tất cả 30 thành viên của khối nhất trí thì mới hội đủ điều kiện.

Hai là, cấu trúc an ninh châu Âu. Quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã phá vỡ lịch sử là quốc gia trung lập, “không liên kết” tồn tại hàng trăm năm nay. Điều đó cho thấy họ từ bỏ vai trò làm cầu nối Đông - Tây vốn được thể hiện kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đến nay.

Mặt khác, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng làm cấu trúc an ninh châu Âu thay đổi đáng kể khi đường biên giới dài giữa tổ chức này với Nga tăng lên gấp đôi, tạo lợi thế cho bên này, nhưng lại bất lợi cho bên kia, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường.

Nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra gần đây đánh giá: NATO có thể tổ chức tập trận và thiết lập các cơ sở quân sự ngay sát biên giới với Nga, nhất là vùng biển Baltic có nguy cơ biến thành “ao nhà” của NATO, cô lập hơn nữa cảng biển Saint-Petersbourg và vùng lãnh thổ lọt thỏm Kaliningrad của Nga…

Tình thế đó đương nhiên buộc Nga phải có những phản ứng nhất định nhằm đối phó với mối đe dọa về an ninh sát đường biên giới nước mình. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) diễn ra ở Moscow ngày 16-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: Đối với việc mở rộng của NATO, cụ thể là thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới Phần Lan và Thụy Điển, Nga sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới lãnh thổ của hai quốc gia này. Ông Putin khẳng định phản ứng của Nga sẽ dựa theo bản chất của mối đe dọa mà Moscow đối mặt.

Từ những diễn biến đó, nhà nghiên cứu về Nga và châu Âu, ông Anatol Lieven thuộc Quincy Institute for Responsible Statecraft, đặt câu hỏi: Thụy Điển và Phần Lan có nhất thiết phải gia nhập NATO, vốn dĩ hai nước là thành viên của EU, đều được hưởng một hình thức bảo vệ chung dù không mạnh mẽ bằng điều khoản số 5 của NATO?

Ông Anatol Lieven rút ra hai kết luận: Thứ nhất, sự việc cho thấy châu Âu một lần nữa chối bỏ trách nhiệm và không muốn từ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Chính sách của Mỹ và NATO đối với Nga trên thực tế là một “trò chơi có tổng bằng không” và châu Âu ngoan ngoãn đi theo.  Thứ hai, việc đẩy Nga ra khỏi các cấu trúc châu Âu làm Moscow về lâu dài sẽ lệ thuộc chiến lược vào Trung Quốc và đưa siêu cường châu Á này tiến gần hơn nữa đến biên giới phía Đông của châu Âu.

Có thể nói, kể từ sau Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay, chưa bao giờ châu Âu lại có hàng loạt các biến cố bất ổn, khó đoán định đan xen với nhau như hiện nay.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.